Nâng cao cảnh giác tệ nạn xã hội trước Tệ nạn xã hội

Trong hàng vạn thông tin trên mạng xã hội, có không ít thông tin không chính xác, thông tin xấu, độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và cả cơ quan nhà nước, gây mất trật tự xã hội, hoang mang trong dư luận. Tuy nhiên, những loại thông tin này khó ngăn chặn từ đầu mà các cơ quan chức năng chỉ có thể hậu kiểm, xử lý hậu quả.

Phải nhận diện đúng những thông tin xấu, độc

Có thể thấy rằng, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, nhất là các nền tảng mạng xã hội với lợi thế nhanh chóng, thuận tiện đang chiếm lĩnh không gian, lượng thông tin của xã hội. Tuy nhiên, trong hàng vạn thông tin trên mạng xã hội, có không ít thông tin không chính xác, thông tin xấu – độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và cả cơ quan nhà nước, gây mất trật tự xã hội, hoang mang trong dư luận.

Hiện nay, các trang mạng xã hội phổ biến trên toàn cầu được kể đến là Facebook, Tiktok, Instagram… Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng hơn 65 triệu tài khoản mạng xã hội trên tổng số hơn 96 triệu dân, tức chiếm khoảng 2/3 dân số.

Với nhiều nguồn thông tin khác nhau, bên cạnh những thông tin tích cực, đúng đắn vẫn có nhiều thông tin giả, bịa đặt, xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử, thù địch, phản động, kích động bạo lực… được viết và đăng tải dưới nhiều hình thức để tiếp cận với hàng triệu người đọc, gây ra những luồng thông tin trái chiều làm nhiễu loạn xã hội.

Thời gian gần đây, dư luận, quần chúng Nhân dân đặc biệt quan tâm, đồng tình, ủng hộ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, điều tra một số vụ án hình sự liên quan đến vi phạm trên lĩnh vực y tế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản (xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh…).

Tuy nhiên, lợi dụng việc Cơ quan điều tra khởi tố, điều tra các vụ án trên, một số cá nhân sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, được cho là vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp khác (chủ yếu trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản), thu hút lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội. Đồng thời cũng xuất hiện những bình luận, chia sẻ cho rằng thời gian tới cơ quan chức năng sẽ khởi tố, xử lý những cá nhân, doanh nghiệp này, tác động xấu tới dư luận xã hội, tâm lý nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán của Việt Nam, gây thiệt hại về uy tín, kinh tế của cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Trước tình hình đó, Bộ Công an đang chỉ đạo các lực lượng chức năng thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định tất cả những đối tượng có hoạt động đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, góp phần tạo môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh. Bộ Công an khuyến cáo người dân không nghe theo và tiếp tay lan tỏa những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng.

Trước đó, Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt một nam thanh niên số tiền 7,5 triệu đồng liên quan đến việc đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook.

Tiếp đó, Công an thành phố Hà Nội nhận được tin báo của người dân về việc phát hiện một tài khoản Facebook đăng tải bài viết: “LỜI CẢNH TỈNH CHO NHỮNG AI CHƯA BIẾT” có nội dung đăng tải sai sự thật về lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tuần tra trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Tiến hành xác minh, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) đã làm rõ và mời chủ tài khoản là anh N.V.Đ (sinh năm 1995, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đến làm việc.

Tại cơ quan công an, anh Đ đã thừa nhận việc đăng tải thông tin không đúng sự thật và cam kết sẽ không đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật lên mạng xã hội. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chuyển hồ sơ sang Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội để xử phạt theo quy định.

Ngày 3/3, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội đã ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với N.V.Đ theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Mỗi người dân cần tự trang bị cho mình vốn kiến thức cần thiết

Trước “ma trận” tin xấu độc trên các nền tảng mạng xã hội, người dân cần tỉnh táo khi tham gia vào mạng xã hội, bởi nếu người tiếp cận thông tin không tỉnh táo, sáng suốt thì có thể bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực bởi những thông tin xấu, độc đó.

Để tích cực phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, chúng ta cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết. Trước tiên, chúng ta cần có kỹ năng chọn lọc thông tin để nhận diện các thông tin xấu, độc. Để thực hiện được kỹ năng đó thì chúng ta cần tỉnh táo nhận diện được thông tin xấu, độc. Thông tin xấu, độc được nhận diện ở các yếu tố: Mục đích, ý nghĩa, nội dung…

Cách để nhận biết tin xấu, độc

Cụ thể, về mục đích, các tin xấu độc được đăng tải nhằm chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, thái độ, lối sống của người tiếp xúc với thông tin, gây hoang mang, dao động, hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Về nội dung, thông tin xấu, độc thường lẫn lộn giữa thật và giả, thường là trà trộn một phần thông tin đúng với thông tin sai lầm, bịa đặt, xuyên tạc… Để xác định được xem thông tin mà mình tiếp cận là giả hay thật; Đúng hay sai; Tốt hay xấu thì chúng ta cần tiếp cận nhiều với các thông tin chính thống.

Mặt khác, người dân cần có kỹ năng công nghệ – thông tin nhất định để chặn các nick ảo, lọc, xóa, báo xấu… các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội để không cho các thông tin đó lan truyền dễ dàng.

Mỗi cá nhân cũng cần cẩn thận cân nhắc xem nên comment (bình luận), like (thích), share (chia sẻ), dẫn link hay không trước một vấn đề nào đó, để tránh việc vô tình trở thành cầu nối giúp lan tỏa thông tin xấu, độc. Việc nắm các quy định của Luật An ninh mạng là một vấn đề bắt buộc giúp người sử dụng tránh những hành vi vi phạm có khi chỉ là vô tình nhưng gây ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân và xã hội.

Để ngăn chặn thông tin xấu, độc, mỗi công dân cần phải có trách nhiệm lan tỏa những thông tin chính thống, chất lượng, chuẩn mực. Đó là cách để nhân rộng những điều tốt, cổ vũ những mặt tích cực, có ý nghĩa xây dựng xã hội. Mặt khác, tự thân mỗi người dân hãy xây dựng cho mình một cách tiếp cận thông tin nhạy bén, hiệu quả, đảm bảo uy tín, chất lượng.

Triệu Quang Xuyên – VHTT

Nguồn: Báo điện tử huyện Thanh Trì, Hà Nội