HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH  HỒ CHÍ MINH VỀ KHÁT VỌNG CỐNG HIẾN DỰNG XÂY ĐẤT NƯỚC

Phần thứ nhất:

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ KHÁT VỌNG CỐNG HIẾN DỰNG XÂY ĐẤT NƯỚC

  1. Sự hình thành khát vọng giải phóng dân tộc, cống hiến dựng xây đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khát vọng về một nền độc lập – tự do cho dân tộc và đem lại hạnh phúc cho nhân dân là xuất phát điểm, là nguồn gốc của tư tưởng Hồ Chí Minh về khát vọng cống hiến dựng xây đất nước, được nuôi dưỡng bởi những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tiếp thu văn hóa nhân loại.

Trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, thống trị nhân dân trở thành nô lệ. Các cuộc vùng dậy đấu tranh của nhân dân đều thất bại. Sự thất bại của các phong trào kháng Pháp chứng tỏ cách mạng nước ta đang lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối cách mạng, thiếu hẳn một phương pháp khoa học và một giai cấp tiên tiến lãnh đạo cứu nước. Giải phóng dân tộc đã trở thành yêu cầu bức thiết nhất của toàn thể dân tộc Việt Nam. Trong hoàn cảnh đó đã thôi thúc nhiều người dân Việt Nam tìm con đường cứu nước mới, người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành đã sớm thức tỉnh, đau đáu nỗi niềm cứu nước, cứu dân. Người chọn hướng đi sang các nước tư bản phương Tây tìm hiểu sự thật đằng sau khẩu hiệu “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”, xem người ta làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào mình. Ngày 5-6-1911, tại bến cảng Nhà Rồng, Người bắt đầu chuyến hành trình trên con tàu Amiral Latouche Tresville, mang theo khát vọng cháy bỏng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Điều này sớm đã thể hiện tư tưởng, ý chí và một khát vọng lớn, mang tầm nhìn thời đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Trong hành trình tìm đường cứu nước, đi tới nhiều nước thuộc địa, phụ thuộc, tư bản, đế quốc đã giúp Nguyễn Tất Thành nhận thức và vạch rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản: ở đâu đâu đế quốc tư bản thực dân cũng dã man, tàn bạo, cũng đầy rẫy những quan hệ phi nhân tính. Ở đâu đâu người lao động cũng là những người nghèo khổ, bần cùng và để thoát khỏi ách áp bức, bóc lột ấy, họ phải được tập hợp lại, đứng lên đấu tranh giải phóng.

Tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa  của V.I.Lênin. Luận cương của Lênin đã giúp Người giải đáp những vấn đề cơ bản về con đường giải phóng dân tộc mà Người tìm kiếm bấy lâu. Người khẳng định “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Tháng 12-1920, Người đã gia nhập Quốc tế cộng sản và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, đánh dấu sự chuyển biến mang tính bước ngoặt trong tư tưởng của Người từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản.

Sau khi xác định con đường cứu nước theo cách mạng vô sản, Người đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về trong nước, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh theo khuynh hướng cách mạng vô sản ở nước ta trong những năm 30 của thế kỷ XX, đưa tới sự ra đời của chính đảng vô sản Việt Nam, mở ra thời đại rực rỡ của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng với những dấu ấn lịch sử và tầm vóc thời đại.

Đó là thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta và để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc mang tầm tư tưởng, trí tuệ của thời đại. Thực hiện Di chúc của Người, chúng ta đã:

Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Kiên định mục tiêu Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, tiến hành thắng lợi sự nghiệp đổi mới, thực hiện khát vọng mà suốt cả cuộc đời Người đã dâng hiến và mong muốn: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

  1. Những nội dung cơ bản về khát vọng giải phóng dân tộc, cống hiến xây dựng đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

2.1. Khát vọng về một nước Việt Nam độc lập, người dân được hưởng cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc.

Hồ Chí Minh ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước, đã mang một khát vọng lớn lao: Độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Năm 1946, khi đã là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã trả lời các nhà báo: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Đó thực sự là hoài bão, là khát vọng mãnh liệt, thể hiện một tư tưởng lớn, một lý tưởng nhân văn cao quý của Người. Người đã hành động không mệt mỏi, với nghị lực phi thường, vượt qua mọi gian nan thử thách để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, kết thúc thắng lợi bằng cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, chấm dứt ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân đế quốc, Việt Nam từ một nước thuộc địa đã trở thành một quốc gia độc lập. Một kỷ nguyên mới đã được mở ra – kỷ nguyên độc lập, tự do tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Khi nước nhà độc lập, khát vọng ấm no, hạnh phúc của nhân dân trở thành động lực và mục tiêu hành động của toàn Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tư tưởng của Người, hạnh phúc của người dân đơn giản là quyền sống, từ đó phát triển một dân tộc, một quốc gia hạnh phúc. Đó là một xã hội do nhân dân lao động làm chủ, bình đẳng, không có chế độ người bóc lột người, một xã hội hoàn toàn mới mẻ, đầy tính nhân văn, “đưa quần chúng đến một cuộc sống xứng đáng, vẻ vang và ngày càng phồn vinh, làm cho mọi người lao động có một Tổ quốc tự do, hạnh phúc và hùng cường, hướng tới những chân trời tươi sáng”.

Trong quá trình xây dựng đất nước, Người rất coi trọng các chính sách kinh tế nhằm đạt tới sự ổn định và phát triển xã hội, đem lại hạnh phúc cho con người. Người khẳng định Đảng ta, Nhà nước ta từ nhân dân mà ra, vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân, không có lợi ích nào khác lợi ích của nhân dân.

Cả cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiến dâng trọn vẹn cho cách mạng, “chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân”. Trong Di chúc, Người dặn dò: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Mong muốn của Người là ai ai cũng được góp công sức vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc và được hưởng thành quả do cách mạng mang lại.

Ý chí, khát vọng độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân và tấm gương mẫu mực suốt đời phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là động lực, tư tưởng soi đường cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

2.2. Khát vọng về một Việt Nam hùng cường

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, với cương vị là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng đất nước giàu mạnh, mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Tư tưởng của Người đã được nhấn mạnh tại Đại hội II của Đảng (1951): Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, phú cường. Người nhiều lần nhắc nhở: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Người đã nêu lên những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền đó là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Nói cách khác, tập trung giải quyết hai vấn đề trọng yếu: phục hồi và phát triển nội lực đất nước, đối ngoại linh hoạt tránh nguy cơ ngoại xâm, kéo dài thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến.

Để phục hồi và phát triển nội lực đất nước, theo Hồ Chí Minh, trước hết phải xây dựng một nền tảng kinh tế vững chắc, phải ra sức phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “muốn nước giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp”, “chúng ta phải quý mỗi tấc đất như một tấc vàng”. Người khuyến khích: “trong công cuộc xây dựng nước nhà, chính phủ trông mong vào nhân dân, trong cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Giữa nông nghiệp và công nghiệp có quan hệ khăng khít với nhau. “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển công nghiệp nhưng đồng thời cũng phải phát triển nông nghiệp. Nếu ngành công nghiệp phát triển mà ngành nông nghiệp không phát triển thì khập khễnh như người đi một chân”. Xuất phát từ điều kiện nước ta, sản xuất nông nghiệp có một vị trí hết sức quan trọng, Người chủ trương phải cải tạo và phát triển nông nghiệp thì mới có cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác, để tạo điều kiện cho việc công nghiệp hóa nước nhà.

Trong lĩnh vực thương nghiệp: Trong thư gửi giới công thương Việt Nam, Người viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công – thương trong công cuộc kiến thiết này”. Người nhấn mạnh, nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Các nhà công nghiệp, thương nghiệp hãy cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân.

Cùng với phát triển kinh tế, để xây dựng đất nước giầu mạnh, việc nâng cao trình độ văn hóa, dân trí của người dân cũng được Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng. Theo Người: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa”, “Trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ… cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (5-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cổ vũ, khích lệ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, trước đây thực dân Pháp cai trị đã thực hiện chính sách ngu dân để dễ lừa dối, bóc lột dân ta, có tới 95% đồng bào ta không biết chữ. “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”. Nạn thất học, kém hiểu biết là một cản trở lớn cho sự phát triển của đất nước và dân tộc. Người kêu gọi: “… Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”.

Bên cạnh việc nâng cao dân trí, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra nhiệm vụ quan trọng trong kiến thiết đất nước là bồi dưỡng nhân tài. “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều”.

Xuyên suốt hai cuộc trường chinh kháng chiến chống lại các đế quốc thực dân Pháp và Mỹ, đường lối kiến thiết đất nước, từng bước hiện thực hóa việc xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, cường thịnh luôn được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một cách cụ thể, phù hợp, sáng tạo và quyết liệt.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người bày tỏ điều mong muốn cuối cùng, cũng là khát vọng tột bậc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Những tư tưởng, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một nước Việt Nam hùng cường tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân tộc từng bước hiện thực hóa trong công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, công cuộc đổi mới phát triển đất nước trong 35 năm qua và trong những chặng đường tiếp theo. Kết quả, thành tựu đem lại “rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật”, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

2.3. Khát vọng về một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Tư tưởng về một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển luôn là nội dung xuyên suốt trong tư tưởng ngoại giao của Hồ Chí Minh. Xuất phát từ truyền thống ngoại giao hòa bình hữu nghị của ông cha ta và từ những bài học kinh nghiệm đấu tranh ngoại giao trong lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh đã chắt lọc và hình thành tư tưởng ngoại giao hòa bình, hữu nghị trong điều kiện mới.

Trước hết là tư tưởng ngoại giao vì hòa bình. Đối với Hồ Chí Minh, hòa bình không phải chỉ là nền hòa bình cho riêng dân tộc Việt Nam mà cho cả các dân tộc và thế giới nói chung. Trong bản thông cáo đầu tiên về chính sách đối ngoại của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (3-10-1945), Người đã đề ra mục tiêu giữ gìn hòa bình thế giới: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết tha mong muốn duy trì tình hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tương trợ để xây dựng nền hòa bình thế giới lâu dài”. Người coi hòa bình trên thế giới có mối quan hệ chặt chẽ với cách mạng trong nước. Người nêu rõ: “Phong trào hòa bình phải gắn liền với phong trào độc lập dân tộc” và “giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta. Vì lợi ích của nhân dân lao động khắp thế giới là nhất trí. Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế liên hệ khăng khít với nhau. Vì lẽ đó, ta vừa ra sức kháng chiến, vừa tham gia phong trào ủng hộ hòa bình”.

Cùng với tư tưởng ngoại giao vì hòa bình, chủ trương nhất quán của Hồ Chí Minh còn là thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác quốc tế, cùng phát triển. Không chỉ hợp tác với các nước láng giềng anh em, các nước xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh còn chủ trương làm bạn với tất cả các nước dân chủ. Người khẳng định: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ thuật của mình; b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”. Quan điểm về hợp tác cũng được Người nêu rõ: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. “Việt Nam sẽ hợp tác với mọi nước vui lòng hợp tác thật thà và bình đẳng với Việt Nam”. Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, tháng 7-1956, Hồ Chí Minh khẳng định: “chính sách đối ngoại của chúng tôi là lập quan hệ tốt với tất cả các nước muốn lập quan hệ ngoại giao với chúng tôi trên cơ sở có đi có lại, bình đẳng và tôn trọng năm nguyên tắc chung sống hòa bình”

Như vậy, quan điểm của Hồ Chí Minh trong việc mở rộng hợp tác quốc tế một mặt nhằm mục đích hợp tác để cùng phát triển, nhưng mặt khác Người cũng nêu rõ điều kiện của nó là bình đẳng, cùng có lợi và tuân theo nguyên tắc độc lập tự chủ. Hợp tác quốc tế và cùng phát triển là để phục vụ kiến thiết đất nước sau khi giành độc lập, nhưng không vì hợp tác, phát triển mà đánh mất độc lập tự chủ.

Nguyên tắc độc lập tự chủ còn được thể hiện hết sức tranh thủ nguồn lực bên ngoài, nhưng đồng thời phải phát huy tối đa các nguồn lực bên trong. Tranh thủ nguồn lực bên ngoài, có chính sách mở cửa, hỗ trợ phát triển nền kinh tế nhằm tạo nội lực dân tộc vững mạnh. Các nước bạn giúp ta cũng như thêm vốn cho ta, do vậy phải sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài, ta phải khéo dùng cái vốn ấy để bồi bổ lực lượng, phát triển khả năng của ta, tức là có thêm điều kiện để tự lực cánh sinh.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về đường lối ngoại giao vì hòa bình, hợp tác và phát triển giữa các dân tộc và những nguyên tắc của nó đã được Đảng ta quán triệt, vận dụng ngay từ sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ mới ra đời, sau đó trải qua hai cuộc kháng chiến và cho đến hiện nay. Mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng chúng ta vẫn luôn nhận được rất nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ từ các nước anh em và bạn bè quốc tế. Điều này một lần nữa khẳng định quan điểm, đường lối ngoại giao đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng và những hoạt động ngoại giao của Người chính là hiện thân của khát vọng về một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.

 

Phần thứ hai:

ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN TÍCH CỰC HỌC TẬP VÀ LÀM THEO 

TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH 

VỀ KHÁT VỌNG CỐNG HIẾN XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC

 

  1. Tinh thần cống hiến xây dựng đất nước của thế hệ trẻ hiện nay

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện, không ngừng lớn mạnh cùng với sự phát triển đi lên của đất nước. Trải qua những chặng đường lịch sử khác nhau, ở mỗi thời kỳ cách mạng, tuổi trẻ Việt Nam đều hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Khi đất nước còn chiến tranh, lớp lớp các thế hệ thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau chiến đấu, cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc, tô thắm truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam anh hùng. Từ thế hệ những đoàn viên đầu tiên, kiên trung, bất khuất, điển hình là anh Lý Tự Trọng với câu nói bất hủ “con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng”, đến thế hệ thanh niên khát khao độc lập, tự do, dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, của Bác Hồ, đã cùng với dân tộc làm nên Cách mạng Tháng Tám lịch sử, giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, với những tên tuổi, những phong trào đã đi vào lịch sử dân tộc để lại dấu ấn khó phai mờ, mà tiêu biểu là: Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Văn Ơn, Đặng Thùy Trâm…Là phong trào “Tòng quân giết giặc lập công”, “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, để rồi góp phần to lớn làm nên ngày hội thống nhất non sông, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Hòa bình lập lại, lớp lớp thanh niên trong niềm vui trùng phùng của ngày đại thắng đã xung phong đi đầu trong hàn gắn vết thương chiến tranh, hăng hái tham gia các phong  trào lao động, sản xuất, rà phá bom mìn, phục hóa, khai hoang, xây dựng những khu kinh tế mới, làm đường giao thông, công trình thủy điện, xây dựng các nhà máy, nông trường, giữ vững biên cương và làm nghĩa vụ quốc tế…Họ sẵn sàng đi tới những nơi gian khổ, không ngại vượt qua bão giông, nắng lửa, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, kiên định giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trong đổi mới và hội nhập, lớp lớp thanh niên đã tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự, giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thông qua các phong trào hành động cách mạng, các chương trình, cuộc vận động, các công trình thanh niên cộng sản, công trình thanh niên làm theo lời Bác của tổ chức Đoàn. Tiếp nối truyền thống dân tộc và các thế hệ cha anh, thanh niên Việt Nam hôm nay tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng triệu thanh niên Việt Nam đang tích cực lao động sản xuất, làm ra nhiều của cải cho xã hội, làm giàu cho bản thân, gia đình. Những chiến sĩ trẻ lực lượng vũ trang đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, ngày đêm canh giữ biên cương, hải đảo, bảo đảm cho đất nước bình yên. Những trí thức trẻ, học sinh, sinh viên say mê học tập, nghiên cứu khoa học, tích lũy tri thức để lập thân, lập nghiệp. Nhiều học sinh, sinh viên đã giành chiến thắng quan trọng trên các đấu trường trí tuệ thế giới, đem vinh quang về cho Tổ quốc. Thời gian gần đây, khi đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, chúng ta lại thấy “hình ảnh” những bạn trẻ xung kích tham gia tích cực cùng các lực lượng phòng, chống dịch. Đó là các y, bác sĩ trẻ, cán bộ, chiến sĩ trẻ lực lượng vũ trang sẵn sàng lên tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ ở khu cách ly, các chốt phòng, chống dịch, tham gia hỗ trợ lưu thông hàng hóa, tiêm chủng vaccine, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, giúp đỡ các gia đình, thanh thiếu niên gặp khó khăn bởi đại dịch; nỗ lực nghiên cứu các sản phẩm hỗ trợ phòng, chống dịch… Họ đã thể hiện những tư duy mới, tinh thần sáng tạo không ngừng và luôn bộc lộ khát vọng, hoài bão trong công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực và sự hy sinh, cống hiến hết sức to lớn đó của đại bộ phận lớp trẻ, thực tế cho thấy vẫn còn một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, đòi hỏi hưởng thụ mà lười rèn luyện, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, đất nước; thiếu trách nhiệm, thờ ơ với cái chung; không có khát vọng, ý chí vươn lên. Để khắc phục những hạn chế trên, hơn lúc nào hết, mỗi đoàn viên, thanh niên phải không ngừng phấn đấu, tư dưỡng rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khơi dậy khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên bằng những hành động cụ thể, bằng tinh thần cống hiến không ngừng nghỉ, góp phần dựng xây đất nước giàu mạnh, hùng cường.

Đại hội XIII của Đảng xác định khát vọng xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển hùng cường, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trước hết đòi hỏi mỗi đoàn viên, thanh niên phải luôn “cháy” trong mình ngọn lửa tinh thần dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tuổi trẻ phải thể hiện ý chí, tài năng, cống hiến sức trẻ, sức sáng tạo không ngừng, thể hiện trách nhiệm quốc gia bằng việc không ngừng học tập, sáng tạo, tiếp thu các công nghệ mới, nỗ lực vươn lên, đón nhận thời cơ mới, vượt qua khó khăn thách thức, ra sức khởi nghiệp, lập nghiệp, tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại để góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức. Thanh niên phải là lực lượng quan trọng kiến tạo những giá trị mới, thành công mới của đất nước.

  1. Một số giải pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng cống hiến xây dựng đất nước trong đoàn viên, thanh niên

Để đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khơi dậy khát vọng cống hiến xây dựng đất nước trong đoàn viên, thanh niên, cần xác định tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao ý thức chính trị, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đặc biệt là nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng xây dựng đất nước, nêu cao tinh thần trách nhiệm, lý tưởng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tích cực rèn luyện đạo đức, tác phong; có lối sống trong sáng, lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội. Đấu tranh và khắc phục các biểu hiện của lối sống lai căng, thực dụng, tách biệt với xã hội, lối sống vô tâm, vô cảm, thờ ơ chính trị, đi ngược lại các giá trị văn hóa – đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đắp xây hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới trên nền tảng các giá trị cốt lõi “tâm trong – trí sáng – hoài bão lớn”.

Hai là, tích cực hòa nhập với thế giới, tiếp thu được cái hay, cái đẹp của nhân loại, nhất là trong bối cảnh hiện nay, phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với đó là sự phát triển của Internet, mạng xã hội, điều đó một mặt tạo ra nhiều cơ hội cho tuổi trẻ trong việc tiếp cận thông tin, tiếp thu những tri thức mới hiện đại, cập nhật, nhưng mặt khác nó cũng là cơ hội để các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng để tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Điều này đòi hỏi tuổi trẻ phải không ngừng trau dồi các kỹ năng hội nhập, như bản lĩnh, kiến thức, trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng, tác phong công nghiệp, không chỉ hiểu biết văn hóa dân tộc, đất nước mình, mà còn phải hiểu biết tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa thế giới, trong đó, thông thạo tiếng Anh sẽ là một lợi thế rất lớn. Đấu tranh loại bỏ các thông tin xuyên tạc, tiêu cực, phản động, tích cực tuyên truyền đến mọi người có cách tiếp nhận thông tin đúng đắn.

Ba là, tổ chức Đoàn cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đặt thanh niên vào vị thế là chủ thể để đón đầu những xu thế phát triển mới của đất nước. Nội dung, phương thức giáo dục của Đoàn tiếp tục đổi mới theo tinh thần Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 – 2030” trong đó chú trọng đổi mới cách thức phổ biến, học tập lý luận chính trị, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chú trọng các nội dung rèn luyện về lý tưởng cách mạng, nhận thức chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, gắn nội dung rèn luyện với việc khắc phục biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đoàn viên thông qua chương trình “Rèn luyện đoàn viên”. Mỗi thanh niên thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, cầu tiến bộ, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, có tinh thần dấn thân, có lòng nhân ái, vì sự nghiệp chung để đóng góp tốt hơn cho gia đình, quê hương, đất nước. Về phía tổ chức Đoàn cũng cần phải nắm bắt nhanh, đúng tâm tư, nguyện vọng thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện nay, từ đó kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận xã hội trong thanh niên trước những vấn đề mới nảy sinh, nhất là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Việc tuyên truyền giáo dục phải gắn với điều kiện kinh tế thị trường, gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, có thế tuổi trẻ mới tiếp nhận một cách tích cực và tự giác.

Bốn là, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn có tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ, không ngừng tu dưỡng rèn luyện bản thân về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác; thực sự là người bạn gần gũi của thanh niên, không kiêu căng, tự mãn, xa rời thanh niên, xa rời thực tiễn; không để bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Yêu cầu phát triển mới của đất nước đòi hỏi người cán bộ Đoàn phải luôn tiên phong, có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, năng động và sáng tạo, luôn sẵn sàng gạt bỏ cái tôi sang một bên vì lợi ích chung, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, của Đảng, của Đoàn lên trên lợi ích cá nhân. Đặc biệt chú trọng rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn gắn với việc đề cao vai trò nêu gương của cán bộ Đoàn, Hội, Đội. Sự nêu gương của cán bộ Đoàn, nhất là người đứng đầu chính là điểm bắt đầu, tiền đề để lan tỏa, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong thanh niên. Cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; cán bộ Đoàn, Hội, Đội nêu gương cho đoàn viên, hội viên; đoàn viên nêu gương cho thanh niên; thanh niên nêu gương cho thiếu niên, nhi đồng theo đúng quan điểm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”. Có cơ chế động viên, khuyến khích, kiểm tra, giám sát về thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ Đoàn.

———