Chia sẻ kinh nghiệm thực tập: Tìm ở đâu? Lựa chọn thế nào? Hành xử ra sao? Và lời khuyên nào cho bạn?

Chắc hẳn các bạn thấy cực kỳ thân quen với gương mặt của bạn Thuỳ Linh – Phó chủ tịch Hội sinh viên trường, đặc biệt trong những buổi chia sẻ thông tin về Đề án học tập trải nghiệm.

Thuỳ Linh không chỉ là một thủ lĩnh phong trào sinh viên ưu tú mà còn là một sinh viên năng động và giỏi giang trong việc tìm cho mình những công việc thực tập từ rất sớm.

Chúng ta hãy cùng đọc và cảm nhận những chia sẻ và thông điểm cô bạn Thuỳ Linh gửi đến chúng ta nhé:

Giống như các nhà tuyển dụng có thuật ngữ về 3 phương thức tuyển nhân sự đó là “lạnh”, “ấm”, “nóng”để chỉ lần lượt việc tuyển dụng qua các kênh thông tin đại chúng bao gồm cả mạng xã hội, qua những nguồn tuyển từ lời giới thiệu của người quen và cuối cùng là tuyển ngay chính những người xung quanh, những người tìm việc cũng có 3 phương thức y hệt vậy. Các bạn có thể chủ động tìm những lời mời làm việc trên mạng và ứng tuyển hay tìm những công việc được giới thiệu, đề xuất cũng có thể vào thử việc cho người quen. Dù theo cách nào, bạn sẽ có 1 công việc. Và đừng quá lăn tăn rằng nên làm cho công ty lớn hay nhỏ vì ở đâu cũng có bài học nào đó nhưng nhiều hay ít phụ thuộc vào chính bạn và người quan trọng hơn cả trong quá trình thực hành, thực tập đó chính là người phụ trách hướng dẫn bạn trực tiếp.

Xét tiếp đến việc làm sao để biết công việc đó có phù hợp với bạn, ngồi phân tích thiệt hơn hay nên làm gì?  Thay vì trả lời ngay, tôi sẽ đưa cho các bạn 1 lời khuyên: “Đừng mãi làm khán giả xem bóng và nhận xét phiến diện, hãy làm người chơi bóng lăn xả để biết thực hư ra sao”.Thật vậy, để biết công việc có phù hợp với bạn hay không, hãy dành thời giản thử sức với nó trong khoảng thời gian đủ lâu đủ nhiều để ít nhất bạn không chỉ có những kiến thức, kĩ năng cơ bản của công việc bạn ứng tuyển vào mà sau toàn bộ quá trình bạn còn phát hiện được bản thân có hợp, có yêu thích công việc đó hay không và điểm yếu, điểm mạnh khi làm việc ở đâu để từ đó đề ra 1 hướng đi nghề nghiệp phù hợp, hoàn thiện hóa bản thân 1 cách tối ưu.Và để khám phá tất cả những điều đó, bạn và công việc nên trao cơ hội thử thách cho nhau trong vòng ít nhất 3 tháng. Đây là 1 khoảng thời gian tạm đủ nhưng trong trường hợp điều kiện cho phép và bạn đã hiểu rõ bản thân cũng như lựa chọn được 1 công việc nào đó để ứng tuyển thì hãy làm tối đa thời gian mà bạn có thể. Kinh nghiệm, kĩ năng của bạn tỉ lệ thuận với thời gian trải nghiệm, thực hành công việc đó!

Tìm được 1 công việc thì dễ, thời lượng làm việc cũng do bạn tự chủ nhưng “làm việc”mới khó. “Làm việc” không chỉ đơn thuần là làm mà còn phải quan niệm là làm thật (công việc thật, hành động thật), làm được (công việc, nhiệm vụ được giao), làm tốt (. Đó là một quá trình bao gồm nhiều giai đoạn như một vòng lặp: học cách làm đúng, thực hiện công việc được giao, cầu tiến với công việc chưa được giao, mắc lỗi, nhận đánh giá, khắc phục lỗi, học cách làm đúng, cứ như vậy.

Lời cuối: Hãy chủ độnglàm nhiều nhất có thể, học hỏi nhiều nhất có thể, quan sát mọi điều từ văn phong, thái độ, trang phục nơi công sở, cách vận hành, phong cách của nơi bạn làm việc và nắm bắt mọi thứ trong khả năng. Đó là cách để bạn làm giàu vốn sống với những quân át chủ bài mang dấu ấn riêng sẽ làm bạn khác biệt với những ứng viên khác trong tương lai!

Chúc các bạn thành công!

P/s: Xin trân trọng cảm ơn những người anh, người chị ở Tập đoàn OPENASIA GROUP đã đem đến cho em những bài học kinh nghiệm quý báu và cách nhìn mới về thực hành, thực tập cũng như cuộc sống văn phòng. Đặc biệt là chị Trần Thảo Phương – người đã trực tiếp hướng dẫn em từng chút một từ những ngày đầu, động viên mỗi khi em làm tốt và chỉ ra những điểm yếu em cần khắc phục. Trân trọng!

-Thuỳ Linh-