Áp dụng khung phẩm chất năng lực ULIS Profile trong việc triển khai các hoạt động nhằm xây dựng văn hóa học đường, phẩm chất toàn diện của sinh viên ĐHNN

Từ một số nội dung cơ bản “Khung phẩm chất và năng lực học sinh THPT Chuyên Ngoại ngữ”, nhóm soạn thảo đã phát triển xây dựng bộ nhận diện « ULIS Profile » bao hàm được cả 12 tiêu chí Hình mẫu Thanh niên Việt Nam thời kì mới theo cuộc vận động “Xây dựng hình mẫu giá trị thanh niên Việt Nam thời kì mới”, giai đoạn 2018 – 2022 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đồng thời bám sát tầm nhìn, định hướng đào tạo, giá trị cốt lõi, các quy định về chuẩn đầu ra của Nhà trường.

Cụ thể, một ULISer cần phải là một sinh viên phát triển toàn diện, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng trong thị trường lao động quốc tế cạnh tranh cả về kiến thức, kĩ năng, thái độ và phản ánh một cách tốt nhất chất lượng giáo dục đại học của nhà trường.

“Khung phẩm chất, năng lực” do đó được xây dựng là bảng tổng hợp tất cả các phẩm chất, năng lượng thiết yếu trong giai đoạn hiện nay đối với thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng, đặc biệt là sinh viên Ngoại ngữ. Với mỗi yếu tố trong “Khung phẩm chất và năng lực sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ”, nhóm soạn thảo đều diễn giải định nghĩa trước khi đưa ra ví dụ biểu hiện cụ thể minh họa để người đọc dễ tiếp cận.

Cụ thể, bộ nhận diện « ULIS Profile » mô tả tất cả những phẩm chất đạo đức, tư duy và kĩ năng các bạn sinh viên sẽ được phát triển và tích lũy được sau quá trình học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động của Nhà trường với mục tiêu sau khi ra trường : các bạn sẽ tự tin, vững vàng lập thân, lập nghiệp, khẳng định chính mình và cống hiến cho xã hội. Bức chân dung được phác họa cụ thể qua 3 từ khóa ngắn gọn nhưng nhiều ý nghĩa lần lượt là: Tâm trong, Trí sáng, Kĩ năng vững vàng.

Đầu tiên là, Tâm trong bao hàm những phẩm chất, năng lực của sinh viên Ngoại ngữ liên quan đến vấn đề đạo đức. Người có “Tâm trong” là người luôn trau dồi những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, ý thức được những đạo lý, giá trị nhân văn cao cả trong cuộc sống, khao khát hướng thiện, từ đó khởi nguồn cho những hành động có ích cho cộng đồng và đất nước. Tại ULIS, chúng tôi tin rằng thành công trong tương lai chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng những phẩm chất và giá trị đạo đức cao quý, hướng tới hoàn thiện bản thân và trở thành những công dân có ích cho xã hội. 7 giá trị cốt lõi cần có (viết tắt các chữ cái đầu là PREPARE) bao gồm:

  1. Tự hào (Pride): Hiểu biết và trân trọng về những giá trị của bản thân, quê hương đất nước mình.
  2. Tôn trọng (Respect): Coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của người khác như của chính mình, luôn cư xử có văn hóa. Biểu hiện cụ thể
  3. Nhân ái (Empathy): Thấu hiểu, cảm thông với người khác, dám hành động để tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội.
  4. Kiên trì (Perserverance): Luôn nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ để theo đuổi mục đích mà mình đã đề ra.
  5. Chính trực (Accountability): Sống ngay thẳng, thật thà, tôn trọng lẽ phải, can đảm và đáng tin cậy.
  6. Trách nhiệm (Responsibility): Làm tròn nghĩa vụ, bổn phận với bản thân, công việc, xã hội.
  7. Cầu tiến (Excellence): Khao khát nâng cao kiến thức và kỹ năng để luôn đáp ứng yêu cầu công việc và nhu cầu phát triển bản thân.

Thứ hai là, bên cạnh chữ “tâm”, ULISer còn phải có “Trí sáng”. Một người có trí sáng không chỉ là người có kiến thức chuyên sâu áp dụng được vào thực tế, mà còn có lối tư duy phản biện, sáng tỏ và tích cực. Tiêu chí này là 1 trong những chiếc chìa khóa trọng yếu để mở ra cánh cửa thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Trí sáng được thể hiện qua 6 phẩm chất tư duy (6I) sau:

  1. Tư duy ham học hỏi (Inquiring): Coi việc học tập, nghiên cứu suốt đời như một nhu cầu tất yếu của bản thân.
  2. Tư duy tự lập (Independent): Tự tạo dựng cuộc sống và sự nghiệp của mình, không trông chờ, dựa dẫm vào người khác.
  3. Tư duy chủ động (Initiative): Biết tự suy nghĩ, hành động và hoàn thành công việc mà không cần sự chỉ dẫn hay giám sát của người khác.
  4. Tư duy sáng tạo (Innovative): Làm nên giá trị mới bằng việc thay đổi cách nghĩ, cách làm truyền thống, có tinh thần và khát vọng khởi nghiệp.
  5. Tư duy khoa học (Incisive): Luôn phân tích, đánh giá sự việc theo cách nhìn đa chiều trước khi đưa ra lập luận rõ ràng, logic, đầy đủ bằng chứng và công tâm.
  6. Tư duy toàn cầu (International): Sống và làm việc với suy nghĩ, tầm nhìn và mục tiêu toàn cầu.

Cuối cùng, để thành công trong thời đại hiện nay, sinh viên còn cần phải đạt những phẩm chất và năng lực thiết yếu về thái độ, kĩ năng. “Kỹ năng vững vàng” là năng lực áp dụng thuần thục và linh hoạt những tri thức và kinh nghiệm mà một cá nhân tích lũy được để sống và làm việc trong môi trường cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng như hiện nay. Những kĩ năng đó được tích lũy và hoàn thiện thông qua vô vàn trải nghiệm thực tiễn và vừa học tập nghiên cứu vừa thực hành, thực tập mang màu sắc rất riêng biệt của ULIS. Dưới tên gọi đầy đủ “Kĩ năng vững vàng, sẵn sàng lập thân lập nghiệp” nhóm soạn thảo chọn lọc ra 6 kĩ năng thiết yếu (IMPACT) cụ thể như sau:

  1. Kĩ năng Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT): Là khả năng sử dụng thành thạo, hiệu quả các thiết bị công nghệ, phương tiện thông tin và truyền thông để nâng cao chất lượng cuộc sống và công việc.
  2. Kĩ năng Quản lý (Management): Là khả năng sắp xếp và sử dụng một cách có hiệu quả nguồn lực và thời gian giới hạn để đảm bảo hoàn thành công việc.
  3. Kĩ năng Giải quyết vấn đề (Problem-solving): Là khả năng phát hiện, phân tích vấn đề để tìm phương án và đưa ra quyết định phù hợp trong những tình huống khó khăn.
  4. Kĩ năng Thích ứng (Adaptability): Là khả năng phát hiện, nắm bắt và thích nghi nhanh chóng đối với những thay đổi, cơ hội mới trong cuộc sống và công việc.
  5. Kĩ năng Giao tiếp (Communication): Là khả năng sử dụng đa dạng các phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ để diễn đạt một cách rõ ràng, thuyết phục và hiệu quả.
  6. Kĩ năng Hợp tác và lãnh đạo (Team-work): Là khả năng thiết lập và duy trì mối quan hệ hợp tác tích cực với các thành viên khác để hoàn thành tốt đẹp các mục tiêu chung.

Nhưng chỉ xây dựng hệ thống lý thuyết thôi là chưa đủ. Để hiện thực hóa bộ nhận diện “ULIS Profile” này trở thành những tiêu chí thực có của các bạn sinh viên, Đoàn thanh niên – Hội sinh viên (ĐTN-HSV) phải là những tác nhân mũi nhọn trong việc tạo môi trường để sinh viên rèn luyện, phát triển năng lực, phẩm chất toàn diện. Vai trò của ĐTN-HSV được thể hiện qua 3 hành động chính, bao gồm:

Một là, vai trò truyền thông : Đoàn thanh niên- Hội sinh viên phải đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu các chiến dịch truyền thông để đưa bộ nhận diện này kèm theo là các minh chứng thiết thực kèm theo hay những sinh viên tiên tiến điển hình- hình mẫu nhận diện ULIS đến gần hơn với sinh viên. Thêm vào đó, ĐTN-HSV còn phải là nguồn thông tin 2 chiều giữa nhà trường và sinh viên thông qua việc khai thác nhiều kênh thông tin như fb, gmail, viber, hay qua đầu mối các đoàn viên, hội viên để kịp thời tiếp nhận thông tin, ý kiến, khuyến nghị của sinh viên gửi đến nhà trường và ngược lại những yêu cầu, định hướng, tầm nhìn của nhà trường đến với các bạn sinh viên. Truyền thông với mục tiêu để cho sinh viên biết, hiểu và chủ động phấn đấu toàn diện theo chân dung ULISer. Phấn đấu theo bộ Khung phẩm chất năng lực này sẽ giúp các bạn sinh viên một bước tiến gần hơn với những danh hiệu thi đua một cách dễ dàng và có định hướng hơn, nổi bật như danh hiệu Sinh viên 5 tốt;

Hai là, vai trò đồng hành: Đoàn thanh niên- Hội sinh viên là những người bạn đồng hành với sinh viên trong việc học tập, phấn đấu theo khung phẩm chất, năng lực thông qua luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc, tạo mọi điều kiện vật chất và tinh thần có thể trong khả năng giúp các bạn sinh viên thực hiện mọi ý tưởng, trong mọi hoạt động liên quan đến xây dựng, hoàn thiện, tích lũy kĩ năng phẩm chất cho ULISer.

Ba là, vai trò hỗ trợ: Cán bộ Đoàn- Hội không chỉ dừng lại ở việc quản lý các hoat động theo kế hoạch năm học mà phải chủ động tổ chức thêm nhiều các hoạt động mới xuyên suốt cả năm bảo trùm các phẩm chất, năng lực phù hợp với nhân lực, nguồn lực, mong muốn, đặc thù của sinh viên. Các hoạt động ngoại khóa phải được xây dựng có tính hệ thống, tính khả thi, tính xuyên suốt đảm bảo phổ quát cả 3 mặt phẩm chất, kĩ năng bộ nhận diện đề ra. Về đạo đức: tăng cường phối hợp với Đoàn-Hội các cấp tổ chức các cuộc thi về tìm hiểu tấm gương Hồ Chí Minh, phát triển kênh thông tin radio kể chuyện tuyên truyền tấm gương người tốt việc tốt do chính các bạn sinh viên làm chủ và thực hiện, thúc đẩy phát triển sâu rộng các hoạt động nhân ái của các câu lạc bộ thiện nguyện trong trường, phối hợp với các Khoa, Bộ môn rèn luyện phẩm chất, tác phong cho sinh viên trước,trong và sau mỗi giờ học… Về tri thức: Gắn liền các yếu tố tư duy cần có bộ nhận diện đề ra vào các chương trình hoạt động dành cho trước tiên là cán bộ Đoàn-Hội sau là lan tỏa cho toàn bộ sinh viên trong trường; thực hiện các buổi hoạt động chuyên môn, tọa đàm, cuộc thi liên quan đến khoa học, sáng tạo hay yếu tố quốc tế theo mục tiêu chất lượng và số lượng nhất định (cố gắng tăng dần con số qua từng năm). Về kĩ năng; tổ chức các buổi tập huấn chuyên môn, rèn luyện kĩ năng mềm, kĩ năng nghiên cứu, sáng tạo, khởi nghiệp, cuộc thi mô phỏng cuộc thi về kĩ năng tin học văn phòng cho các bạn sinh viên nhất là trước khi ra trường, các cuộc thi tranh biện, cuộc thi ứng xử giải quyết tình huống, phong trào phấn đấu phát triển giữa từng chi đoàn/chi hội đến giữa các Khoa/Bộ môn…

Với 3 vai trò lớn như vậy, Đoàn thanh niên- Hội sinh viên cần tiếp tục duy trì những thành tích đã và đang đạt được tiếp nối bằng các thành tích, chương trình, hoạt động mới. Cán bộ Đoàn-Hội cũng cần là những người tiên phong đi đầu làm gương, vận động các bạn sinh viên và để các bạn sinh viên noi theo.

Mong rằng, sự ra đời của “Khung phẩm chất, năng lực sinh viên Ngoại ngữ” cùng tổng lực giúp sức của Đoàn thanh niên- Hội sinh viên bên cạnh các Phòng, Ban tạo một trang mới giúp định hướng cho chất lượng đào tạo của nhà trường, tổ chức hoạt động Đoàn-Hội và phát triển toàn diện của các bạn sinh viên Ngoại ngữ. Sinh viên Ngoại ngữ sẽ tự tin, tự lực và tự hào ra trường trong những đánh giá tích cực trên nhiều phương diện không chỉ bởi các thầy cô, nhà trường mà còn bởi các ý kiến khách quan và vô cùng quan trọng: ý kiến của các bậc phụ huynh và nhà tuyển dụng.