Làm việc trái ngành: Đối mặt và đối diện
Đi làm trái ngành là điều khá phổ biến hiện nay, bất kỳ công ty nào cũng có nhân viên đi làm không đúng với chuyên ngành mà lúc trước họ theo học. Hiện tại, họ vẫn đi làm vui vẻ và hoàn thành tốt công việc, nhưng trong quá khứ, họ đã phải chịu không ít áp lực, đối diện với không ít thử thách khi đi làm trái ngành. Chính vì thế, nếu đang có ý định sẽ làm việc trái ngành, thì bạn cần chuẩn bị trước một tâm lý thật vững cho chặng đường sắp tới.
ĐỐI MẶT
1. Áp lực kiến thức khi đi làm trái ngành
Một yếu tố cực kỳ quan trọng giúp bạn có thể hoàn thành tốt công việc chính là kiến thức chuyên ngành. Khi đi làm trái ngành, bạn sẽ phải làm việc trong một lĩnh vực chuyên môn hoàn toàn khác với những kiến thức mà mình đã quen thuộc trong quãng thời gian đại học. Điều này đòi hỏi bạn phải tự lực cánh sinh, phải tự trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, học thêm các lớp chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến ngành mà bạn muốn làm việc.
2. Áp lực mức lương khi đi làm trái ngành
Một trong những điều mà chắc chắn những ai đi làm trái ngành cũng đã đối diện chính là mức thu thập trong một ngành nghề khác với chuyên môn của mình. Tuy rằng có nhiều sinh viên đã có nền tảng về kiến thức ở lĩnh vực công việc mới, song, so với những sinh viên chuyên ngành, mức lương của các bạn trái ngành sẽ phải chịu thiệt hơn. Với mức lương thấp hơn so với mặt bằng chung, nhưng vẫn phải chi trả chi tiêu mỗi tháng, vẫn phải chi trả mức sinh hoạt phí tương đương như mọi người, nên bạn sẽ dễ bị rơi vào cảm giác hoang mang, lo lắng, áp lực mức lương.
3. Áp lực cạnh tranh với người làm đúng ngành
Bên cạnh áp lực kiến thức và áp lực mức lương, thì bạn còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khi cùng ứng tuyển một vị trí với những người làm đúng ngành. Họ có lợi thế về kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn hơn, và tất nhiên là cơ hội trúng tuyển cũng sẽ cao hơn bạn.
ĐỐI DIỆN
Sau đây, những nước đi sẽ được “mách khéo” để bạn có thể đối diện với những thách thức của trái ngành.
Xác định những lĩnh vực tiềm năng
Một trong những cách được nhiều người áp dụng đó là tìm hiểu về những công việc đang được tuyển dụng và những kỹ năng nào thường được yêu cầu để biết rằng có những công việc nào là phù hợp với năng lực và sở thích của bạn.
Một cách khác cũng được nhiều người ưa thích đó là thử các bài test tính cách, nổi bật nhất là MBTI, để có thể hiểu hơn về các thế mạnh của bản thân và chọn ra phương hướng sự nghiệp cho mình.
Xây dựng những mối quan hệ
Việc bạn không học đúng lĩnh vực mà bạn đam mê không đồng nghĩa với việc bạn không thể xây dựng mối quan hệ trong nghề. Nếu bạn vô tình tìm được niềm đam mê của mình thông qua một người bạn thì thật tuyệt, bạn đã có sẵn một “cánh cửa” để bước vào cộng đồng của những người cùng đam mê.Tham gia vào các sự kiện của ngành nghề cũng là một cách hay để xây dựng những mối quan hệ mới ngay cả khi bạn chưa phải một người hiểu về chuyên môn.
Trang bị các kĩ năng có tính chuyển đổi
Bên cạnh những kĩ năng chuyên môn, bạn cũng cần trang bị những kĩ năng có tính chuyển đổi (Transferable Skills). Dẫu bạn không học được những gì mình đam mê khi còn ở ghế nhà trường, nhưng đó không có nghĩa những năm vừa qua là vô ích. Ví dụ: sau nhiều bài luận văn, bạn đã có cho mình những kiến thức nền tảng về kỹ năng viết lách; nếu bạn là leader của một dự án, bạn đã học được ít nhiều những kỹ năng quản lý nhân lực và khả năng lãnh đạo.
Liên tục cập nhật kiến thức ngành
Những gì mà chúng ta gom nhặt được từ Đại học nói chung hầu hết sẽ dễ dàng trở nên “lỗi thời” sau vài năm, vì thế việc cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới là rất quan trọng, đặc biệt là đối với những người muốn theo đuổi một sự nghiệp mới. Bạn có thể làm những điều này mà chẳng cần nỗ lực nhiều bằng cách xem các bài đăng của công ty mình ứng tuyển, đọc các bài viết trên các diễn đàn, hội nhóm của “dân chuyên ngành”.