Học tập Bác về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu cao trách nhiệm gương mẫu
Hiện nay, các tổ chức đảng và đảng viên đang tích cực xây dựng kế hoạch và tập trung tổ chức khắc phục, sửa chữa khuyết điểm sau hội nghị kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết TW4(khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, cụ thể là đẩy mạnh “Học tập và làm theo Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng dân chủ, nêu gương, nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.
Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương thì: “Tư tưởng, đạo đức, tác phong, phong cách là một chỉnh thể, tạo nên nhân cách mẫu mực Hồ Chí Minh, là các mặt có liên quan chặt chẽ với nhau. Tư tưởng chi phối đạo đức, tác phong, phong cách; tác phong, phong cách là sự thể hiện, cụ thể hóa tư tưởng, đạo đức”1. Nói phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những giá trị đặc trưng mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách mẫu mực, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Người. Đó là một phong cách vừa hiện đại, vừa khoa học, vừa cách mạng, vừa đại chúng. Phong cách của Bác được thể hiện trong mọi lĩnh vực đời sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ không trộn lẫn được. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì con người như thế nào phong cách như thế đó. Người là một biểu hiện mẫu mực về phong cách, lối sống luôn gần gũi với quần chúng, thương yêu nhân dân. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định: “Chủ Tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”. Việc triển khai chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng dân chủ, nêu gương, nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” là một việc làm cần thiết đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thấm nhuần và thực hiện tốt. Phong cách quần chúng, dân chủ Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét cụ thể thông qua những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Bác trong sinh hoạt, tuyên truyền, tiếp xúc, gặp gỡ với nhân dân…. Đây là những bài học quý, có ý nghĩa sâu sắc, giúp mỗi cán bộ, đảng viên vận dụng vào thực tiễn học tập và công tác.
Với Bác, trong cách giáo dục nhân dân không được phân biệt, cách biệt, không được có thái độ cho dân vùng này tốt nơi kia xấu, ở đâu, người nào cũng phải bình đẳng, bởi theo Người, tôn trọng, yêu quý nhân dân thì họ mới yêu quý cán bộ. Vì vậy, tinh thần đại đoàn kết của Bác luôn luôn được mọi tầng lớp, mọi giới ủng hộ. Một lần, Bác đến thăm huyện Mường Tè, nơi xa xôi của tỉnh Lai Châu. Khi thấy nhân dân đang sống theo tập quán cũ, Bác bảo, chúng ta có Đảng, có Chính quyền nhưng chưa mang ánh sáng văn minh đến những vùng cao như ở đây. Chúng ta còn có lỗi với dân, rồi Bác chỉ thị cho cán bộ địa phương phải có biện pháp cụ thể giúp đỡ đồng bào cải thiện đời sống, lối sống, để họ dần dần tiến kịp miền xuôi, có như vậy cách mạng mới thực sự của toàn dân, công bằng với mọi nơi.
Đối với Bác dù ở đâu, hoàn cảnh nào, lòng tin ở nhân dân là tuyệt đối. Bác bảo nếu trong dân còn người xấu, họ chưa yêu cách mạng thì cách mạng phải tỏ rõ lòng khoan dung, thuyết phục chứ tuyệt đối không bắt ép. Có lần, Bác về thăm tỉnh Yên Bái, các đồng chí bố trí đón Bác trong doanh trại tỉnh đội, Bác không đồng ý. Bác nói đón Bác không nên làm trong đơn vị bộ đội, các chú canh gác cẩn mật thì ai dám vào, vả lại nếu mọi người vào được thì còn đâu là cẩn mật. Theo ý Bác nên chọn chỗ nào thuận tiện để mọi người đến được, thành phần đến tham dự là toàn dân. Các đồng chí bảo vệ cứ băn khoăn sợ kẻ xấu lẫn vào, biết được ý nghĩ đó, Bác nói: “Những người xấu cũng cho họ vào, nếu không cho họ nghe chuyện thì làm sao họ giác ngộ được, họ sẽ không làm điều gì xấu đâu”
Có dịp Bác đến thăm một cơ quan, Bác đi thẳng vào phía nhà ăn, Bác bước xuống chỗ nhớp nháp, trơn, đồng chí cán bộ lãnh đạo cơ quan vội thưa với Bác là chỗ đó bẩn, dễ ngã, rồi mời Bác đi hướng khác, nhưng Bác không nghe, Bác nói “Bác đi lối này để chú biết lần sau dọn cho sạch sẽ”. Vào nhà ăn Bác xem kỹ tường, trần nhà, nền nhà, bàn ăn, Bác chỉ vào chỗ ruồi đang bay, Bác bảo: Hình như có tiếng vè của máy bay “trực thăng”. Bác phê bình đại ý: hồi xưa thằng Tây nó to, ác như thế, nó có súng to, súng nhỏ mà ta còn đánh được, thế mà bây giờ con ruồi nó không có súng, nó không to thế mà các cô, các chú không đoàn kết tiêu diệt được nó. Bác phê bình là vì sức khỏe của anh em cán bộ, Bác mong mọi người cùng nhau tiến bộ không chỉ ở những công việc lớn lao mà ngay cả những việc tầm thường, nhỏ nhặt. Sự gần gũi xem xét từng sự việc, phê bình góp ý nhẹ nhàng, không hình thức, câu nệ là phong cách của Bác khi giải quyết công việc cũng như gặp gỡ, tiếp xúc với đồng chí, nhân dân… khiến cho mọi người đều nhớ lâu và nhớ kỹ. Những chuyến đi xuống thăm các cơ sở sản xuất, thăm nhân dân, mặc dầu đã có chương trình bố trí cho Bác đi, nhưng Bác vẫn có cách tiếp xúc trực tiếp với dân. Nhân đầu năm mới, Bác lên thăm và chúc tết cán bộ và nhân dân Vĩnh Phú, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã chuẩn bị một số nơi cho Bác đến. Biết thế nên Bác chưa đến những nơi đó trước mà Bác vào thăm gia đình một đồng chí đang chiến đấu ở miền Nam. Đến nơi, Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe gia đình, việc học hành của các cháu và sự quan tâm của địa phương. Chị chủ nhà nói những gì có thật, khác xa báo cáo của địa phương, Bác không vui, Bác phê bình thế là không tốt với dân, lừa dối cấp trên. Hoặc khi tập trung nói chuyện với dân, các đồng chí cán bộ thì ngồi gần Bác, còn các cụ thì ngồi phía sau, chỗ xa Bác đứng. Bác trực tiếp sắp xếp lại, mời các cụ lên gần Bác rồi mới bắt đầu nói chuyện. Bác biết những nhược điểm của một số cán bộ thường mắc bệnh hình thức chủ nghĩa, nên khi đi đâu thăm dân, Bác dặn các đồng chí phục vụ, bảo vệ không được cho cán bộ địa phương biết trước. Khi có chút quà ngon, Bác không dành riêng cho mình mà chia đều cho anh em phục vụ, Bác chu tất với mọi người, mọi việc, có lần Bác đi qua nhà ăn thấy đồng chí nấu ăn cho Bác đang dùng cát để đánh xoong cho sạch, Bác rẽ vào bày cách đánh xoong nồi chóng sạch lại không bị xước mòn. Bác quan tâm con người không chung chung mà rất cụ thể, không những đối với những người gần gũi bên Bác, những người Bác gặp mà đến cả những người Bác chưa gặp. Khi qua cầu gập ghềnh hay gặp hòn đá khập khiễng, Bác dừng lại cùng anh em sửa sang cho chắc hoặc nhặt hòn đá đi, để người đi sau khỏi gặp nguy hiểm. Có lần đi chiến dịch, đường nhiều ổ gà, xe va vào hòn đá bị hỏng, Bác xuống xe, chiếu đèn pin giúp cho các đồng chí sửa xe, Bác động viên cứ bình tĩnh chữa cho cẩn thận. Khi xe sửa chửa xong tiếp tục lên đường.
Từ những câu chuyện trên cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thực hành một lối sống giản dị, gần gũi gắn bó, hòa mình cùng nhịp sống, nỗi niềm của người dân bằng tình cảm tự nhiên, trong sáng, không hề khiên cưỡng. Cuộc đời Bác gắn liền với những nơi ở, thật bình dị, luôn giữ mức sống như những người dân bình thường, không đòi hỏi một sự ưu tiên, một vinh hoa cho riêng mình. Bác chọn nơi ở là nơi gần với người lao động. Bác đi thăm địa phương xa phải ở lại qua đêm, các đồng chí bố trí cho Bác nơi ở tốt nhất nhưng Bác không chịu. Bác tự chọn cho mình chỗ ngủ, có khi trên bãi biển, trên trận địa pháo. Ngay khi chuẩn bị cho mình về cõi vĩnh hằng, Bác cũng căn dặn chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi tốn kém tiền bạc của nhân dân.
Những việc làm của Bác hết sức giản dị, bình thường nhưng không phải ai cũng nghĩ được, làm được nếu không xuất phát từ cái tâm trong sáng, tình cảm tự nhiên và đặc biệt là sự đồng cảm với con người, sâu sát với tình hình thực tiễn để kịp thời nhận định và đưa ra những cách xử trí phù hợp. Soi vào thực tế hiện nay, bên cạnh rất nhiều cán bộ, đảng viên có tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát, gần gũi với nhân dân, thì vẫn có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số người giữ vị trí chủ chốt công tác ở một số cơ quan, đơn vị còn mang thói đam mê quyền lực, coi “Đảng như một cái cầu để thăng quan, tiến chức”, vẫn tự cho mình được hưởng một “đặc quyền, đặc lợi” riêng, sử dụng tài sản công vào mục đích tư, đặt quyền lợi cá nhân lên trước quyền lợi của tập thể, tìm cách bớt xén công trình, của công, “bật đèn xanh” để các nhà thầu “chạy” dự án để hưởng phần lợi riêng, quyết định bổ nhiệm hoặc luân chuyển cán bộ không vì lợi ích chung của tập thể mà vì ý muốn chủ quan, muốn tìm người ‘hợp gu”, “hợp cánh”. Không ít cán bộ, lãnh đạo chưa chấp hành nghiêm túc giờ giấc, nền nếp sinh hoạt, hội họp, có những cuộc họp đồng nghiệp và cấp dưới đã chuẩn bị chu tất duy chỉ ngồi chờ người đứng đầu, thậm chí có những văn bản cấp dưới tham mưu chỉ chờ lãnh đạo phê duyệt nhưng vẫn hết sức chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ chung… Những biểu hiện về hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng đã được Nghị quyết Trung ương 4 khái quát, chỉ rõ đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, kèn cựa, tùy tiện, vô nguyên tắc, tham nhũng…
Thiết nghĩ, học tập phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu dù ở môi trường làm việc nào, trước tiên phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu về đạo đức, lối sống, có tinh thần tự học để nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, luôn đứng trên lập trường chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững, nói và làm theo quan điểm, nghị quyết của Đảng, xây dựng cho mình phong cách lối sống giản dị, trung thực, không xa hoa, lãng phí, luôn gần gũi hòa mình với quần chúng. Người đứng đầu không phải chỉ dừng lại ở chỉ thị, nghị quyết, nắm tình hình qua báo cáo rồi chỉ đạo theo kiểu “bàn giấy” mà phải xuống tận cơ sở, nắm thông tin, tình hình một cách khách quan, phong phú theo nhiều chiều, nhiều phía, nhiều đối tượng, cả khen, chê, tốt, xấu, nhất là những chính sách bất cập, những vấn đề nhân dân còn băn khoăn để từ đó có sự điều chỉnh phù hợp, tránh cách làm hình thức và cách nắm thông tin một chiều, phiến diện. Đối với tổ chức cần phải phải phát huy dân chủ, tạo động lực kích thích cho cán bộ, đảng viên phát biểu ý kiến đối với quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách, những vấn đề diễn ra trong tổ chức, nhất là phải làm sao để nghe được những ý kiến ngược chiều, nói về những hạn chế, khuyết điểm. Thực hiện phong cách quần chúng, dân chủ còn thể hiện thông qua việc tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối và việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Muốn thu hút được nhân dân tham gia vào quá trình quản lí xã hội, xây dựng chính quyền cơ sở thì Đảng phải thường xuyên cung cấp thông tin, đường lối, chính sách mới để giáo dục, thuyết phục, định hướng nhận thức đúng đắn cho quần chúng nhân dân. Đảng muốn mạnh cần xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát để quản lí, giáo dục cán bộ, đảng viên, tăng cường tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước trong các tổ chức đảng và các cơ quan nhà nước, xử lí kịp thời, nghiêm minh, công khai những cán bộ, đảng viên vi phạm, dù ở cương vị, chức trách nào. Ngoài ra, muốn phát huy được vai trò của các tổ chức quần chúng tham gia vào hoạt động giám sát, hoạt động của cán bộ, đảng viên phải tạo mối quan hệ thường xuyên gắn bó giữa Đảng với các tổ chức quần chúng.
Để thực hiện được tất cả các giải pháp trên có lẽ cần một quyết tâm chính trị lớn của người đứng đầu, khi người đứng đầu nêu tấm gương sáng và thực hành nghiêm túc phong cách quần chúng sẽ thực sự tạo sức lan tỏa để đồng nghiệp, cấp dưới và nhân dân kính phục và noi theo. Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm gần dân, sát dân, quan tâm và có trách nhiệm với nhân dân của người lãnh đạo phải bằng cái tâm và tình cảm trong sáng, tự nhiên chứ không phải là những chủ trương, lời nói, hành động suông, sáo rỗng, thiếu sức thuyết phục.
1. Ban Tuyên giáo Trung ương: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, NXB Chính trị Quốc gia 2013, tr.9.