THÔNG BÁO Về việc hỗ trợ người học trong đợt dịch Covid 19 và giải pháp bền vững trong hỗ trợ sinh viên tại Trường ĐHNN- ĐHQGHN (Số:  404   /TB- ĐHNN ngày 29 tháng 4 năm 2020  của Hiệu trưởng Trường ĐHNN)

 

 

 

Trong quá trình phát triển, Trường Đại học Ngoại Ngữ – ĐHQGHN (Trường ĐHNN) luôn thực hiện nhất quán lấy người học là trung tâm. Trường luôn chủ động, tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ và phục vụ sinh viên, giúp sinh viên chủ động, phát huy tinh thần trách nhiệm trong học tập, rèn luyện. 

Từ 23.01.2020, dịch Covid – 19 đã có nhiều tác động đến việc dạy, học của các trường học. Tuy nhiên, Trường ĐHNN và toàn thể cán bộ, giảng viên đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó trên nguyên tắc “đảm bảo mọi công tác đào tạo, phục vụ đào tạo diễn ra bình thường, sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ và không để dịch bệnh ảnh hưởng tới việc học tập của sinh viên”. Các nội dung triển khai đã giúp Nhà trường tiến hành kịp thời, ổn định các mặt công tác, giúp sinh viên chủ động tiếp nhận kiến thức, an toàn trong thời gian vừa qua 

I. Những hoạt động hỗ trợ người học đã triển khai

  1. Triển khai các biện pháp phòng tránh dịch Covid 19 

– Ngay khi nhận các thông tin về tình hình dịch Covid 19, Nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo gồm lãnh đạo Nhà trường, lãnh đạo các đơn vị đào tạo, các phòng chức năng (QĐ 368/QĐ-ĐHNN ngày 05/02/2020) và ban hành 03 văn bản triển khai chỉ đạo về ứng phó với dịch Covid19. Ban chỉ đạo đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, được Sở Y tế Hà Nội đánh giá cao, như: lập 06 phòng cách ly tạm thời tại các khu giảng đường, trường phổ thông; trang bị 17.000 khẩu trang, 10 máy đo thân nhiệt, 80 chai xịt khuẩn, 401 lọ dung dịch rửa tay, trang bị giấy và xà phòng diệt khuẩn tại tất cả các khu vực giảng đường.  

– Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của sinh viên trong công tác phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe, ý thức bảo vệ cá nhân và cộng đồng được Nhà trường triển khai tốt, kịp thời. Nhà trường luôn thông tin đầy đủ, minh bạch tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên các giảng đường, trên trang tin và trang mạng xã hội của Nhà trường; quán triệt sinh viên tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống dịch, thực hiện nghiêm quy định về thông tin trên mạng xã hội. Hiện nay, không có sinh viên nào vi phạm các quy định về phòng chống dịch. 

– Triển khai việc tổng vệ sinh mặt bằng, khu vực giảng đường, lớp học, khu nhà hiệu bộ, tẩy trùng các khu vực có đông người tiếp xúc (cầu thang máy, tay nắm cổng – cửa), trang bị nước rửa tay sát khuẩn tại tất cả các khu vực chung; khuyến cáo đeo khẩu trang khi tiếp xúc công vụ. 

– Đoàn TN-Hội SV cung cấp nhiều kiến thức cho SV về dịch bệnh, chia sẻ nhiều vấn đề bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng; triển khai nhiều hoạt động khuyến khích SV tập luyện thể thao, giải tỏa căng thẳng với khẩu hiệu “ULIS BEATS COVID – 19”, như: Tuần lễ sức khỏe dành cho Học sinh, Sinh viên toàn trường có 2780 video hưởng ứng; Chương trình ”Lớp tôi khỏe nhất” có 40 Chi đoàn tham gia giúp nâng cao tinh thần tập thể, ý thức tập luyện thể thao thường xuyên trong sinh viên; Chiến dịch truyền thông trên trang mạng xã hội facebook liên quan đến các hoạt động ULIS BEATS COVID_19 có 120.890 lượt yêu thích các bài đăng, số lượt chia sẻ hơn 6300; giới thiệu sinh viên tham gia hỗ trợ công tác kiểm dịch tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài theo đề nghị của Sở Y tế Hà Nội.. 

–  Đoàn TN triển khai tốt các hoạt động cho đoàn viên sinh viên, như: cuộc thi Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Olympic Tiếng Anh học sinh Sinh viên của TƯ Đoàn và Tài năng Anh ngữ do Thành Đoàn HN tổ chức, Cuộc thi Cán bộ Đoàn – Hội xuất sắc ĐHQGHN.  

 

  1. Hoạt động hỗ trợ công tác giảng dạy – học tập 

– Triển khai đào tạo trực tuyến từ ngày 10/02/2020: Triển khai 1.397 bài giảng online ở bậc đại học chính quy, 79 bài giảng cho các CTĐT thứ hai (bằng kép) (từ 2/3 đến 15/3). Tất cả 716 học phần đều được đào tạo theo hình thức trực tuyến; 82 bài giảng được ghi hình (15 clip cho học sinh THCS, 27 clip cho học sinh THPT, 35 clip cho sinh viên, 5 clip cho học viên cao học và nghiên cứu sinh). Toàn bộ video clip trên được phát trên kênh Youtube của trường.  

– Nhà trường đã tiến hành mua 40 tài khoản Zoom (1 tài khoản chứa 1000 người tham gia, 19 tài khoản chứa 300, 20 tài khoản chứa 100) và hơn 4.000 tài khoản Teams đã được đăng ký để phục vụ công tác dạy học trực tuyến. 

– Điều chỉnh kế hoạch giảng dạy học kỳ 2 cho sinh viên toàn trường (đối với khóa QH 2019, điều chỉnh kế hoạch kết thúc năm học sớm hơn do bố trí lại kế hoạch học môn GDTC và GDQP) 

– Tổ chức thành công nhiều tọa đàm, hội thảo cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin và hình thức học trực tuyến phổ biến cho cán bộ và giảng viên trong trường. Nhà trường đã tổ chức 03 buổi tập huấn ứng dụng phần mềm Microsoft Office 365 vào giảng dạy và quản trị đại học cho 240 cán bộ các đơn vị phòng ban, trung tâm và văn phòng khoa trong Trường.  

– Ban hành hướng dẫn tính điểm rèn luyện trong học kỳ 2, Ban hành hướng dẫn hoàn thành hồ sơ thực tập cho sinh viên QH2016. 

– Tổ chức thành công khóa tập huấn: “Các giải pháp kiểm tra đánh giá trực tuyến tại Trường ĐHNN, ĐHQGHN” ngày 12/04/020 với 250 cán bộ tham gia. Từ đó chuẩn bị chu đáo và kĩ lưỡng cho vấn đề dạy và học trực tuyến, vấn đề kiểm tra đánh giá đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch đánh giá đúng chất lượng người học, tuân theo quy định về công tác đảm bảo chất lượng. 

– Hoàn thành kế hoạch kiểm tra đánh giá cho từng học phần với 02 phương án: trực tiếp và phương án dự phòng là kiểm tra trực tuyến (các môn THT cơ bản thi qua Zoom, nộp bài tập lớn qua Google Drive).

– Triển khai kế hoạch thi chuẩn đầu ra và công tác hướng dẫn sinh viên bảo vệ khóa luận tốt nghiệp trực tuyến.  

– Tổ chức thành công tọa đàm về đời sống thực tế, quan tâm chăm lo tới đời sống tinh thần của cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường, như: Hội thảo quản lí gia đình, Hội thảo ứng dụng Mindfulness vào đời sống và công việc cho 140 người tham gia. 

– Ngày 5/3/2020, Khai giảng Khóa đầu tiên của Khóa học Nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ dành cho sinh viên các ngành Ngôn ngữ nước ngoài. Khóa học được tổ chức nhằm hỗ trợ phát triển kỹ năng cho sinh viên, giúp các em có cơ hội tiếp cận nhiều công việc phù hợp trong tương lai. Khóa 1 có 562 sinh viên tham gia, trong đó có 298 sinh viên khóa QH.2016, 264 sinh viên khóa QH.2017. 

 

  1. Hoạt động hỗ trợ sinh viên về học bổng, đời sống, thủ tục hành chính, việc làm 

– Giao Đoàn TN – Hội sinh viên là đầu mối nhận, phân bổ quà tặng cho sinh viên ở KTX Ngoại ngữ: 96 sinh viên bao gồm sinh viên Quốc tế của trường mỗi sinh viên nhận được 5 suất hỗ trợ đồ ăn từ Thành Đoàn, 14 sinh viên đăng ký nhận hỗ trợ từ Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên ĐHQGHN: mỗi suất là 10kg gạo, 0.5kg lạc và 10 quả trứng.  

– Khảo sát số sinh viên khó khăn/ sinh viên ở lại Hà Nội bị ảnh hưởng bởi dịch (317 sinh viên tỉnh xa còn ở lại Hà Nội và 108 sinh viên bị ảnh hưởng). Ban chủ nhiệm khoa NNVH Hàn Quốc đã vận động được 50 triệu học bổng hỗ trợ cho sinh viên khó khăn. 

– Vận động được 01 nguồn học bổng mới trị giá 130 triệu đồng/năm từ quỹ học bổng quốc tế Nitori, nâng tổng mức học bổng ngoài ngân sách hàng năm lên trên 1.5 tỉ đồng (hiện đang làm thủ tục tiếp nhận gói học bổng trị giá 1,75 tỉ đồng từ đối tác Hàn Quốc cho sinh viên toàn trường). 

– Liên hệ 46 doanh nghiệp tham gia đăng tải thông tin tuyển dụng và thực tập tại trang website http://job.ulis.vnu.edu.vn/, hơn 200 sinh viên gửi CV đăng kí. 

– Thực hiện tốt việc hỗ trợ thủ tục hành chính trong nhận học bổng chính sách, vay vốn tại địa phương cho sinh viên chính sách.

 

  1. Công tác đảm bảo điều kiện tốt nghiệp cho sinh viên  

– Rà soát thông tin tốt nghiệp của sinh viên để phục vụ tốt nghiệp đối với 1600 hồ sơ sinh viên QH2016. 

– Triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ sinh viên hoàn thành Hồ sơ thực tập. Nhà trường ban hành kế hoạch về tổ chức thực tập tại Trường đối với 87 sinh viên sư phạm, thực hiện trực, thu và chấm hồ sơ thực tập vào thứ 5 hàng tuần. 

– Tổ chức thành công tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Hồ sơ thực tập – Giá trị thương hiệu của sinh viên”, thu hút trên 23.000 lượt sinh viên theo dõi và trên 7.000 lượt tương tác. 

–  Hỗ trợ chính sách đối với 73 sinh viên thực tập tại Nhật Bản; hướng dẫn sinh viên hoàn thành thực tập trên cơ sở thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ sức khỏe, không phá vỡ hợp đồng gây ảnh hưởng quyền lợi; phối hợp đối tác miễn các loại phí quản lý, ăn ở cho sinh viên, phối hợp đưa 02 sinh viên về nước trước hạn; 

  1. Hỗ trợ Sinh viên quốc tế: Nhà trường có nhiều hoạt động hỗ trợ cho 76 Sinh viên quốc tế đang ở tại Ký túc xá: tặng mỳ tôm, nước uống, gọi điện hàng ngày; thực hiện hỗ trợ cách ly theo khuyến cáo ở giai đoạn tháng Hai đối với 02 sinh viên. 

   II. Một số nội dung hỗ trợ sinh viên trong thời gian sắp tới

Vì thời gian dịch bệnh covid 19 vẫn chưa kết thúc, Nhà trường tiếp tục thúc đẩy các hoạt động có hiệu quả trong thời gian vừa qua và điều chỉnh một số chính sách hỗ trợ tối đa cho người học. Cụ thể như sau: 

  1. Thực hiện giãn thời gian đóng học phí. Nội dung này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới nguồn chi cho các hoạt động của nhà trường nhưng đây là nguồn động viên, đồng hành cùng sinh viên, giúp sinh viên yên tâm học tập. 
  2. Xem xét hỗ trợ học phí với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (có đơn) theo các đối tượng như sau: sinh viên có bố hoặc mẹ hoặc người có thu nhập chính trong gia đình bị mất việc do dịch Covid-19, gia đình không có nguồn thu/giảm thu nhập và gặp khó khăn về kinh tế; Các trường hợp đặc biệt khó khăn khác do dịch gây ra. 
  3. Tăng quỹ học bổng trong ngân sách lên 10% học phí, nghiên cứu tăng số sinh viên được nhận học bổng trong và ngoài ngân sách; vận động và cấp học bổng hỗ trợ sinh viên khó khăn từ nguồn quỹ hỗ trợ sinh viên khó khăn của Trường. 
  4. Giảm lệ phí thi chuẩn đầu ra cho sinh viên. 
  5. Khảo sát, nắm bắt các trường hợp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng trong mùa dịch Covid -19 và vận động công đoàn, các khoa đào tạo, cựu sinh viên, đối tác hỗ trợ; triển khai đa dạng các hình thức hỗ trợ, như: hỗ trợ ăn ở, đời sống, hỗ trợ học phí trong thời gian học tập… 
  6. Triển khai một số hoạt động hỗ trợ khác, như: triển khai các khóa đào tạo bồi dưỡng kỹ năng, tọa đàm nghề nghiệp, tọa đàm về tâm lý, miễn phí gửi xe, … 

III. Giải pháp hỗ trợ sinh viên về lâu dài và bền vững

Chính sách hỗ trợ người học luôn được Nhà trường quan tâm, thực hiện nhất quán và đồng bộ, liên tục tìm các giải pháp bền vững giúp sinh viên chủ động, tích cực và yên tâm học tập rèn luyện, phát triển toàn diện, đồng hành cùng Nhà trường xây dựng một môi trường giáo dục xanh, sạch đẹp, thân thiện, tích cực và hạnh phúc. 

  1. Xây dựng nhiều kênh học tập và tổ chức các hoạt động xã hội, phổ biến việc chia sẻ học tập, kinh nghiệm sốnggiúp sinh viên luôn đoàn kết song hành cùng nhau, tự trưởng thành và có đời sống tinh thần phong phú trong các năm học tại trường. 
  2. Phát triển nhiều môn học mới, đặc biệt là các môn kỹ năng bổ trợ, giúp sinh viên hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu cao của đơn vị tuyển và xã hội. 
  3. Triển khai hiệu quả việc thực hành thực tập và phát triển kỹ năng cho sinh viên. Tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo hướng nghiệp cùng doanh nghiệp, các chương trình tham quandoanh nghiệp giúp sinh viên được tương tác, có kiến thức đời sống thực tế và phổ biến hình thức học tập qua trải nghiệm.
  4. Đẩy mạnh việc kết nối thực tập tại các đơn vị uy tín có trả lương, tổ chức tư vấn, hỗ trợ về tuyển dụng, giới thiệu việc làm /thực tập cho sinh viên; triển khai hiệu quả hơn nữa các chương trình thực tập tại nước ngoài giúp sinh viên có nhiều trải nghiệm thực tế, học hỏi nhiều kiến thức và có tầm nhìn mới. 
  5. Hỗ trợ sinh viên tham gia vào các dự án trải nghiệm khởi nghiệpđể SV hình thành tư duy kinh tế và tổ chức đời sống tốt hơn, xây dựng mạng lưới phát triển bền vững, tạo ra một tư duy học tập xã hội, học tập suốt đời… 
  6. Xây dựng kênh tương tác người bảo trợ và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (cán bộ nhà trường, Hội Cựu sinh viên) nhằm giúp sinh viên điều kiện học tập, rèn luyện. 
  7. Tăng nguồn lực của quỹ học bổng ngoài ngân sách. Đề nghị doanh nghiệp sử dụng lao động hỗ trợ sinh viên học phí, học bổng học tập và tiếp nhận thực tập. 
  8. Tạo điều kiện tổ chức tốt các hoạt động Đoàn Thanh niên – Hội SV, phát triển thêm các câu lạc bộ sinh viên, coi đây là môi trường quan trọng giúp sinh viên tự tin trưởng thành.