Áp lực tâm lý sau thi – Một cái nhìn sâu hơn

– Sau những áp lức trước và trong kỳ thi, với phần lớn những sĩ tử đã vượt ải vũ môn, tình trạng “căng như dây đàn” vẫn còn tiếp tục đeo bám.

Thực trạng đáng báo động

Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia được xem là kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm học tập của nhiều học sinh. Đây là một kỳ thi có tính “bước ngoặt” vì kỳ thi này ảnh hưởng đến những quyết định, những kế hoạch trong tương lai của mỗi người. Vì tính chất đó của kỳ thi mà luôn tồn tại những áp lực trước, trong và sau kỳ thi.

Nếu không thể tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh sẽ bị giới hạn trong các lựa chọn của mình, hạn chế hơn trong công việc vì nhiều nơi yêu cầu tối thiểu phải có bằng tốt nghiệp. Những học sinh này cũng không được xét tuyển để có thể vào học tại các trường cao đẳng hoặc đại học, là một môi trường để đào tạo ngành nghề chuyên sâu và đảm bảo khoa học. Bên cạnh đó, khi đã tốt nghiệp, nhiều học sinh cũng sẽ gặp áp lực cạnh tranh với mong muốn vào được các trường đào tạo uy tín, môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển.

 

Sau những ngày “chạy hết công suất” có những gương mặt vỡ oà như trút bỏ được gánh nặng, cũng có những nét mặt thẫn thờ như đã trót bỏ lỡ điều gì. Nhưng những ngày sau đó, với phần lớn những sĩ tử đã vượt ải vũ môn, tình trạng “căng như dây đàn” vẫn còn tiếp tục đeo bám.

Em Trịnh Tiến Doanh (18 tuổi, Hà Nội) cho biết, bản thân phải chịu những kỳ vọng từ bản thân, gia đình, nhà trường và những “định mức” vô hình trong thời gian ôn tập. Kỳ thi kết thúc, tâm trạng Doanh trống rỗng, mệt mỏi và tự trách bản thân.

“Sau thi, bản thân em xuất hiện dần những cảm xúc tiêu cực, tinh thần luôn trong trạng thái trống rỗng và bất an về kết quả thi, dẫn đến trạng thái tinh thần không ổn định. Nhiều bạn bảo em là: ‘Tưởng học sinh giỏi thế nào, không bằng tớ khoanh bừa…’ nên em cảm thấy rất thất vọng về bản thân. Bố mẹ rất kỳ vọng vào em nhưng bài thi không như ý nên em rất mệt mỏi, hoang mang và chông chênh, em không biết phải làm thế nào” – Doanh bộc bạch.

Em Nguyễn Thị Mai Linh (18 tuổi, Vĩnh Phúc) cho biết: “Hôm đầu tiên thi xong, em cảm thấy nhẹ nhõm, cảm giác như được giải phóng. Nhưng các ngày sau đó, sau khi kiểm tra đáp án, rồi nghe mọi người bàn tán, em cảm thấy sợ, bất an về bài thi của mình…”.

Khác với cảm giác như được “giải phóng”, nhẹ nhõm sau kì thi, những sĩ tử có bài thi không như ý giống Mai Linh lại rơi vào trạng thái lo lắng, bất an.

Là điều khó tránh

Một kỳ thi quan trọng như kỳ thi THPT Quốc gia luôn tồn tại áp lực to lớn đến từ kỳ vọng của bản thân các em học sinh và gia đình. Và việc mắc vào những trạng thái tâm lý như lo lắng, trống rỗng, bất an…là điều khó tránh khỏi.

Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý lâm sàng Đặng Đức Anh cho biết: “Kỳ thi THPT Quốc gia là kỳ thi lớn nên kỳ vọng cao. Các em đặt nhiều kỳ vọng vậy nên lo lắng nhiều; nhạy cảm hơn trong lúc chờ kết quả; có thể rất thất vọng và suy sụp khi phát hiện ra bất kỳ lỗi sai nào. Những phân tích của các em có thể bị sai lệch, phóng đại quá mức đối với các hệ quả có thể xảy ra trong tương lai khiến cho nhiều em khó có thể thư giãn được

Thậm chí, giai đoạn này còn tồn tại những trường hợp rạn nứt mối quan hệ bạn bè. Bởi vì đố kị, ghen tị, lo sợ điểm bạn cao hơn mình, thành tích tốt hơn mình, bạn tranh giành các suất học trường top của mình nên quay lưng, nghỉ chơi với nhau…”.

Nhiều học sinh sau kỳ thi, chưa kịp nghỉ ngơi thì đã tất bật so đáp án với các bạn hoặc tìm đến giáo viên để nhờ kiểm tra đáp án cho mình. Có những học sinh sau khi thi xong dù đã quyết định nghỉ xả hơi nhưng rồi cũng chỉ sau mấy ngày thấy các bạn kéo nhau đi so điểm, nghe các bạn bàn ra tán vào về điểm số và các dự định thì bản thân lại bắt đầu hoang mang, dao động.

 

 

Nguồn: VTV, https://vtv.vn/giao-duc/ap-luc-tam-ly-sau-thi-mot-cai-nhin-sau-hon-20230702131340474.htm