Cảnh giác chiêu lừa đảo đa cấp trực tuyến
(Tác giả: Thái San, bài báo đăng ngày 10/07/2021, tiêu đề “Cảnh giác chiêu lừa đa cấp trực tuyến”)
Kinhtedothi – Vì ham lợi nhuận, hưởng phần trăm hoa hồng mà hàng nghìn cộng tác viên bán hàng online đã bỏ tiền ra mua hàng của các đường dây bán hàng đa cấp trực tuyến để rồi bị sập bẫy bởi các đơn hàng ảo, phải ôm đống hàng kém chất lượng.
Lật tẩy thủ đoạn lừa đảo
Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo núp bóng kinh doanh đa cấp sử dụng mạng xã hội để “chăn dắt” nhiều người nhẹ dạ cả tin, lợi dụng sự phổ biến của môi trường mạng để tiếp cận được nhiều nạn nhân. Vừa qua, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phá đường dây lừa đảo hàng nghìn người bán hàng online, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện trên địa bàn có một nhóm người nằm trong đường dây tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền của cộng tác viên bán hàng online liên tỉnh nên xác lập chuyên án để điều tra.
Sau 4 tháng điều tra, Ban Chuyên án xác định kẻ cầm đầu đường dây này là Lê Huy Nhật (SN 1993, trú tại TP Thanh Hóa) và Nguyễn Hữu Hiếu (SN 1993, trú tại huyện Vũ Thư, Thái Bình), hoạt động từ năm 2018 cho đến nay. Thủ đoạn của đường dây này là sử dụng mạng xã hội, tuyển cộng tác viên bán các mặt hàng mỹ phẩm bằng hình thức online với mức lương từ 10 – 15 triệu đồng/tháng.
Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là lập các trang Fanpage để bán hàng qua mạng như: son môi, mặt nạ dưỡng da, nước hoa… Sau đó, chúng thuê người chạy quảng cáo, tăng lượt tương tác, tăng view trên Facebook để tuyển cộng tác viên bán hàng rồi lừa họ.
Các nạn nhân mà đường dây này nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin, nhất là phụ nữ đang nuôi con nhỏ, không có việc làm. Sau khi tuyển được cộng tác viên, các nghi phạm trong đường dây đóng giả là những khách hàng đặt mua hàng với số lượng lớn. Vì ham lợi nhuận, hưởng phần trăm hoa hồng, hàng nghìn cộng tác viên bán hàng online đã bỏ tiền ra mua hàng của đường dây này để rồi bị “xù” đơn hàng và phải ôm đống hàng kém chất lượng với trị giá hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2020, các nghi phạm trong đường dây đã chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng của cộng tác viên bán hàng online khắp cả nước. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2021, hơn 3.000 bị hại đã “sập bẫy”. Công an Hà Tĩnh đã triển khai lực lượng đến 45 tỉnh, thành phố trên cả nước để thu thập tài liệu, chứng cứ.
Lực lượng công an đã bắt giữ 2 nghi phạm cầm đầu và triệu tập hơn 100 nghi phạm khác trong đường dây, thu giữ nhiều tang vật có liên quan. Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 37 nghi phạm trong đường dây để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tiếp tục mở rộng điều tra.
Là một trong những nạn nhân của đường dây bán hàng đa cấp trực tuyến lừa đảo, Facebook Trần Nghĩa kể lại hình thức lừa đảo đăng tải trên Facebook “Thời đại số”. Theo đó, Facebook “Thời đại số” lấy địa chỉ công ty giả, tuyển cộng tác viên bán hàng mỹ phẩm, chiết khấu 35%, nhận lại hàng khi cộng tác viên không bán được.
Sau đó, đối tượng lấy các tài khoản Facebook khác đặt mua hàng. Trần Nghĩa là cộng tác viên bán hàng của Facebook “Thời đại số” nên khi thấy có nhiều đơn đặt hàng nên ngay lập tức chuyển 10 triệu đồng cho người điều hành Facebook “Thời đại số” để được nhận hàng, kịp liên hệ với khách và chuyển hàng cho khách.
Tuy nhiên, khi chuyển hàng cho khách thì bị hoàn trả do địa chỉ đăng ký nhận hàng là giả, số điện thoại không liên lạc được. Lúc này, cộng tác viên gửi trả hàng đến Facebook “Thời đại số” như thỏa thuận ban đầu thì địa chỉ gửi cũng là ảo nên hàng lại bị hoàn về.
Mỗi người cần tự bảo vệ mình
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đào Nguyên Thuật – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, những đường dây đa cấp biến tướng lừa đảo người tham gia không còn là vấn đề mới. Tuy nhiên, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động kinh doanh đa cấp, nhất là qua mạng xã hội vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Mặc dù nhiều người biết và cảnh giác nhưng bằng chiêu trò tinh vi và khả năng thuyết phục của mình, các đối tượng vẫn lôi kéo được nhiều người tham gia và cuối cùng nhận lại hậu quả là bị lừa. Có người bị mất số tiền đã tiết kiệm nhiều năm, có người còn đi vay tiền để đầu tư rồi làm giàu cho những kẻ lừa đảo. Để phòng tránh việc bị các đối tượng lừa đảo lôi kéo, mỗi người cần cảnh giác và sớm nhận ra bẫy bán hàng đa cấp trên mạng để tránh rơi vào tầm ngắm những đối tượng đa cấp lừa đảo.
Dấu hiệu dễ nhận ra nhất của những đối tượng đa cấp lừa đảo ở trên mạng là những người ăn mặc sang trọng, hay khoe nhà đẹp, khoe xe sang và thích chia sẻ bí quyết làm giàu, chia sẻ kiến thức về thị trường, về marketing, bán hàng…
Theo như những gì những người này thể hiện trên mạng xã hội thì họ còn rất trẻ nhưng đã rất giàu, thu nhập mỗi tháng đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Kèm theo đó là giới thiệu hệ thống của họ với hàng trăm hàng nghìn đại lý bán hàng trên khắp cả nước, mỗi đại lý doanh thu hàng tháng lên đến hàng trăm triệu đồng. Hàng hóa của họ thường là mỹ phẩm, trà giảm cân, quần áo, túi xách… và cuối cùng là lời mời tham gia, đầu tư vào hệ thống của họ…
Trong trường hợp các đối tượng này không có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc có Giấy chứng nhận mà hoạt động kinh doanh đa cấp không đúng nội dung chứng nhận thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội “Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp” với hình phạt cao nhất là phạt tù 5 năm.
“Mỗi người hãy tự nhận diện được các đối tượng núp bóng bán hàng đa cấp lừa đảo để tránh bị mất tiền. Chỉ có chính bản thân mỗi người mới có thể bảo vệ mình và đấu tranh với đa cấp lừa đảo một cách hiệu quả nhất” – luật sư Nguyễn Ngọc Hùng chia sẻ.
Theo các chuyên gia pháp luật, các cơ quan chức năng cần sớm có quy định đón đầu cũng như áp dụng công nghệ hiện đại để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hoạt động này; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả việc tuyển, sử dụng cộng tác viên bán hàng trực tuyến; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo cho người dân về hình thức cộng tác bán hàng trên.
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, dưới góc độ pháp lý, những đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phương thức bán hàng đa cấp, những người nhận tiền của người khác mà cấp cho họ sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm không đúng với lời giới thiệu nhằm chiếm đoạt tiền đầu tư thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân.