7 bí quyết cho công việc đầu tiên của bạn
#7tipsfor1stjob
Nhân chuyện bảy công việc đầu đời, do không có đủ 7 công việc muốn liệt kê, mình, với sự hạn hẹp về tính phong phú nhưng (mặt) dày (mày) dạn về kinh nghiệm đi làm thuê cho Nhật và do chịu khó ăn mắng, xin chia sẻ một chút với những bạn sinh viên vừa ra trường đang tìm việc làm:
1. Nếu bạn đi làm thuê, ở đó không có ước mơ của bạn: Đó là điều chắc chắn. Khi bạn đi làm thuê, nghĩa là bạn được trả tiền để góp tay xây dựng (hoặc phá hoại) giấc mơ của một thằng khác cho dù đó có phải là công việc bạn ưa thích hay không. Bạn chỉ là một mắt xích trong đó. Giấc mơ của bạn, dù nhỏ dù to, chắc chắn không phải là làm thuê mà có được. Không có giấc mơ nào lại bao gồm việc bị điều phối bởi người khác.
2. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không phù hợp: Bởi trước khi có thể được làm công việc ưa thích (mà thực ra phần lớn sinh viên ra trường không biết thực sự công việc ưa thích của mình là gì), hãy làm tốt những việc mình không thích hoặc chưa từng làm. Đừng từ chối những cơ hội hoặc thử thách hoặc một bãi cứt (kể cả thế) mà sếp quăng vào mình. Rốt cuộc lại, phù hợp hay không gần như phụ thuộc vào việc bạn có đủ kiên trì tìm hiểu hay không.
3. Và để trở thành người phù hợp, hãy học hỏi nhiều nhất có thể: Điều quan trọng nhất là sự chủ động học hỏi. Có bao giờ bạn “lén” nghe sếp/đồng nghiệp đàm phán qua điện thoại với đối tác mà òa lên: “Ồ, ra là phải xử trí như vậy.” hoặc ngoài giờ đọc các tài liệu liên quan tới nơi làm việc của mình? Nếu chưa, hãy thử dành vài phút trong giờ làm việc và quan sát đồng nghiệp của mình. Ai cũng cái đáng cho mình học hỏi.
4. Mọi kỹ năng tưởng không liên quan, đều có liên quan: Xuất thân là dân ngoại ngữ, trước khi ra trường, mình không tưởng tượng được mình rồi sẽ làm tại một công ty tư vấn của Nhật, học về hành chính, hợp đồng, tổ chức, đấu thầu, v..v.. và muôn vàn thứ trước đó mình không hề biết gì. Và mọi kỹ năng giờ phát huy tác dụng khi mình nhận vài công việc freelance. Bởi rốt cuộc, mọi kỹ năng rồi sẽ thuộc về bạn. Không có kỹ năng nào thừa.
5. Hãy chịu khó nghe mắng: Bởi còn được/bị mắng, nghĩa là người ta sẽ chưa sa thải bạn. Khi bạn không còn bị mắng nữa, một là bạn đã thực sự được công nhận, hai là bạn đã bị liệt vào dạng không được việc và khó có thể đào tạo để trở thành nhân lực chủ chốt. Năm đầu tiên đi làm, mình đã từng bị mắng tới mức đứng giữa công ty mà khóc. Nhưng những kinh nghiệm “đòn đau nhớ lâu” ấy đã thực sự giúp mình trưởng thành và bản lĩnh hơn.
6. Bởi vì chỉ có người không làm mới là người không sai: Và người không hỏi thì càng không phải là người biết tuốt. Trong quá trình trưởng thành hay làm việc, chúng ta sẽ luôn luôn mắc sai lầm. Nhưng sai lầm lặp đi lặp lại thì không được gọi là sai lầm mà gọi là “sự chây ì”. Và “sự chây ì” khiến con người ta không vươn lên được. Mình đã từng hỏi những câu ngu ngốc, mặt dày đi hỏi luôn. Nhưng nếu không hỏi, mình sẽ hát bài mãi ngu. May mắn đời, công ty Nhật rất coi trọng thành quả và chỉ sợ người lười chứ ko sợ người ngu.
7. Hãy nhảy việc khi đã được công nhận: Như đã kể, năm đầu tiên đi làm mình bị mắng dữ lắm, cảm giác công việc không phù hợp còn khiến mình buồn khổ nhiều hơn. Không dưới 1 lần muốn quăng hết tất cả và nghỉ và từ bỏ. Nhưng rốt lại, tôi không thể. “Đối thủ lớn nhất của mình là chính mình.”. Hãy luôn tâm niệm khi đi làm thuê rằng “Ai cũng đều có thể bị thay thế” và làm việc để mình trở thành người khó bị thay thế nhất trong số đó. Hãy để khi bạn rời đi, ai cũng đều mong muốn bạn ở lại.
(Sưu tầm từ tumbrl của bạn Hiếu – http://virgo-man.tumblr.com
Cám ơn bạn vì những chia sẻ rất tâm huyết!)