Nguyễn Thị Thanh Hương cô sinh viên ngành Sư phạm tiếng Anh với Dự án khởi nghiệp mang tên “Smodel”

Phụ trách ban vũ đạo Câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật AC4U trường Đại học Ngoại ngữ, Nguyễn Thị Thanh Hương không còn xa lạ với ánh đèn sân khấu. Nhưng trong tháng 3 vừa qua, cô nữ sinh năm cuối khoa Sư phạm Tiếng Anh đã vượt qua chính mình khi thử sức trên một sân khấu hoàn toàn khác – Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên Toàn quốc lần thứ 1, do TƯ Hội Sinh viên VN tổ chức.

Vốn có niềm đam mê với nghệ thuật múa, ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất tại lớp QH2013. E5, Nguyễn Thị Thanh Hương đã bắt đầu tham gia biểu diễn tại các chương trình văn nghệ của Khoa và nhà trường. Sang đến năm thứ 3, Thanh Hương đã trở thành trưởng ban vũ đạo thường xuyên góp mặt trên sân khấu các sự kiện lớn. Thanh Hương và các bạn trong nhóm đã cùng nhau nỗ lực và đạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi văn nghệ của Đại học quốc gia và toàn thành phố, như giải Nhì Hội thi “Tuyên truyền ca khúc cách mạng” do Đại học Quốc gia tổ chức, giải Nhì “Tôi yêu Hà Nội” năm 2015… Bên cạnh đó, Hương cũng liên tục duy trì kết quả học tập loại Giỏi, học kỳ vừa qua cũng đã xuất sắc nhận học bổng khuyến khích học tập của trường. Hương cũng là “Đại sứ sinh viên” năm 2015 và 2016, nhận Bằng khen của Đoàn ĐHQGHN.

unnamed

Nếu như hầu hết các sinh viên năm cuối dành phần lớn thời gian và sự quan tâm cho việc học và thực tập, thì Thanh Hương vẫn không từ bỏ niềm đam mê với hoạt động ngoại khóa. Và vừa qua, Thanh Hương đã trở thành đại diện duy nhất của Đại học Ngoại ngữ  lọt vào Chung kết Cuộc thi “Ý tưởng Sáng tạo Khởi nghiệp Sinh viên lần thứ I” do Trung Ương Hội sinh viên Việt Nam tổ chức. Khi được hỏi về lý do tham gia cuộc thi, Thanh Hương tâm sự: “Khởi nghiệp đang là một vấn đề thời sự được toàn xã hội quan tâm, tạo thành một làn sóng mới trong giới trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên, những người mang trong mình rất nhiều ý tưởng, hoài bão, đam mê, cùng khả năng tiếp thu, thích ứng và đổi mới sáng tạo. Cùng với sự quan tâm, khuyến khích từ nhà trường và xã hội, sự năng động của thế hệ sinh viên mới, sự lưu thông dễ dàng của nguồn vốn trong thời đại toàn cầu hóa, sự tiếp sức hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông, tất cả đã giúp hình thành một cộng đồng khởi nghiệp trẻ tại Việt Nam, và mở ra vô số cơ hội cho những ai dám chấp nhận thách thức. Em muốn phá bỏ định kiến của một số người cho rằng sinh viên Đại học Ngoại ngữ không quan tâm và thiếu khả năng để khởi nghiệp thành công”.

Dự án khởi nghiệp của Thanh Hương mang tên “Smodel” – dịch vụ hướng tới đối tượng là chính các bạn nữ sinh trong và ngoài trường. S Model mong muốn các bạn có thể tìm được bạn đồng hành trong việc học, đi chơi, tâm sự,.. Dự án kinh doanh “Smodel” của Thanh Hương được hội đồng giám khảo đánh giá rất cao bởi tính mới mẻ, đột phá, không theo lối mòn, và được các nhà đầu tư hứa hẹn sẽ hỗ trợ và đầu tư phát triển ngay khi hoàn thiện.

unnamed-1

Khởi nghiệp khi còn là sinh viên có thể không phải là con đường của nhiều người, tuy nhiên chúng ta có rất nhiều lí do để tin tưởng rằng đây là thời điểm thích hợp nhất để kinh doanh. Đầu tiên, trường học là nơi đầy ắp các ý tưởng của hàng triệu các bạn sinh viên, môi trường học thuật không chỉ là nơi vun đắp ý tưởng mà còn cho phép sinh viên mở rộng tầm nhìn và bắt tay thực hiện ý tưởng. Tiếp đó, đây là thời điểm lí tưởng để thất bại, bởi vì nếu có thất bại thì bạn cũng không phải sợ những ánh mắt soi mói, những lời chê bai, bởi vì bạn vẫn còn trẻ. Sẽ chẳng ai chê bai một sinh viên thất bại kinh doanh cả, mà thay vào đó là những lời động viên, chia sẻ, sự giúp đỡ và quan trọng hơn hết là bạn rút ra được bài học sớm nhất có thể. Và tiếp nữa, khi còn là sinh viên, bạn sẽ có một cơ hội tuyệt vời để thuê được đội ngũ kinh doanh đầu tiên của mình với giá rẻ, tranh thủ được những kiến thức chuyên sâu từ thầy cô và các chuyên gia trong trường.

Với những bạn trẻ có chung hoài bão, Thanh Hương chia sẻ: ” Từ ý tưởng đến hiện thực, đối với những người trẻ khởi nghiệp cũng không hẳn là dễ dàng, đặc biệt với sinh viên- những con người ấp ủ những ý tưởng vô cùng sáng tạo nhưng vẫn thiếu kinh nghiệm kinh doanh, thiếu kỹ năng hay hiểu biết về thị trường, pháp luật. Nhưng chỉ cần các bạn mạnh dạn học hỏi và không ngừng hoàn thiện, biết phấn đấu và quyết tâm, cũng như chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội. Có thể bạn không trở thành một ông chủ, bà chủ nhưng bạn dám nghĩ, dám làm và vượt qua chính mình”. Mong rằng từ thành công của Hương và dự án Smodel, sẽ có ngày càng nhiều các bạn trẻ ULIS dám theo đuổi ước mơ khởi nghiệp của mình.

Hương cũng chia sẻ: “Em mong rằng nhà trường, xã hội sẽ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ các bạn sinh viên trong hoạt động sáng tạo khởi nghiệp, em tin rằng các bạn ULIS hoàn toàn có thể khởi nghiệp. Trong thời gian tới, em sẽ cố gắng hoàn thành tốt việc thực tập để có thể thuận lợi tốt nghiệp đồng thời sẽ tiếp tục hoàn thiện ý tưởng của mình. Hi vọng mọi người sẽ đón nhận Smodel trong tương lai.”