Kỹ năng phân tích và dùng các công cụ tư duy

Kỹ Năng Phân Tích, Giải Quyết Vấn Đề Cho Sinh Viên, Học Sinh

Trong quá trình học tập, đặc biệt là đứng trước kết quả kiểm tra kém, mâu thuẫn với gia đình, không nhận được sự đồng thuận, chấp nhận từ gia đình. Thường bạn như bị lâm vào tình trạng túng quẫn, không thể suy nghĩ và quyết định sáng suốt như thường ngày. Khi đó bạn sẽ cần đến kỹ năng phân tích giải quyết vấn đề. Vậy kỹ năng phân tích vấn đề là gì?

Phân tích giải quyết vấn đề là một quá trình tư duy bên trong bị chi phối bởi các tác nhân ngoại cảnh bên ngoài, đòi hỏi người tư duy phân tích những mâu thuẫn để giải quyết triệt để vấn đề đang gặp phải.

Kỹ năng phân tích giải quyết vấn đề, gồm hai quá trình:

  • Phân tích vấn đề:Nhìn vấn đề dưới nhiều góc cạnh, đặt ra nhiều câu hỏi để hiểu được vấn đề mà bạn đang gặp phải. Trong quá trình phân tích, có thể vận dụng những kỹ năng liên quan như tư duy phản biện, đặt câu hỏi,…
  • Giải quyết vấn đề:Lựa chọn hướng giải quyết tối ưu cuối cùng sao cho vấn đề được giải quyết một cách triệt để nhất.

Với định nghĩa như thế này, chắc bạn đã có thể hình dung được phần nào kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề, nhưng để áp dụng được hiệu quả, bạn nên đọc tiếp những bước bên dưới.

Kỹ năng phân tích, xác định vấn đề đang gặp

Ở quá trình này, bạn cần phải đặt câu hỏi để tìm cho ra vấn đề! Việc nhìn nhận vấn đề là rất quan trọng, và dùng trong tình huống nào, bạn cũng nên tự nhận trách nhiệm về mình. Nếu bạn học dở thì vấn đề trước nhất nằm ở bạn, chứ không phải những mối liên hệ khác. Khi vấn đề là ở bản thân bạn thì bạn mới có thể giải quyết được, còn nếu vấn đề nằm ngoài thì bạn chỉ có thể tìm cách thích nghi với nó.

Những mẫu câu hỏi kiểu WH sẽ giúp bạn nhanh nhận ra rắc rối đang gặp phải:

  • Điều gì làm cho tôi rơi vào vấn đề này?
  • Mình bắt đầu rơi vào vấn đề này khi nào?
  • Tại sao tôi lại rơi vào…?
  • Có thể làm giảm tác động bởi vấn đề này không?

Wh là : What (cái gì), Where (ở đâu), Who (ai), When (khi nào), Why (tại sao) và How (bao nhiêu)

Phân tích giải quyết vấn đề

Tìm ra các nguyên nhân lớn, nhỏ đưa bạn rơi vào vấn đang gặp phải. Tìm được càng nhiều càng giúp vấn đề dễ được giải quyết. Khi phân tích, bạn hãy đặt những câu hỏi sâu sắc hơn, mở rộng hơn, cụ thể như:

  • Tôi có thể nhờ ai giúp đỡ không?
  • Đâu là nguyên nhân lớn nhất?
  • Ảnh hưởng của vấn đề này lớn đến mức nào?
  • Ảnh hưởng của vấn đề này nếu không giải quyết triệt để sẽ ra sao?

Tìm và chọn giải pháp giải quyết vấn đề

Tự bạn đề xuất những giải pháp khả thi có thể thoát khỏi vấn đề hoặc ít nhất là làm giảm tác động của nó. Rồi chọn một giải pháp phù hợp với khả năng của bạn nhất. Nên nhớ, hãy nhận tất cả những trách nhiệm liên quan về phía mình, việc đổ lỗi cho ngoại cảnh không giúp bạn thoát khỏi vấn đề triệt để!

Đánh giá kết quả

Xem hiệu quả của giải pháp mà bạn đã chọn sau một thời gian thực hiện hoặc khi vấn đề đã chấm dứt, điều này tạo thói quen tốt để nhận lại phản hồi từ cách giải quyết của mình.

Nhưng, toàn bộ phía trên chỉ là lý thuyết và hơi khó nắm bắt. Chúng ta cùng xem qua ví dụ về kỹ năng giải quyết vấn đề qua tình huống dưới đây:

“Bạn An học lớp 10A bị 5 điểm môn toán ở bài kiểm tra một tiết (cuối tháng 11) và 3 điểm ở bài kiểm tra học kỳ 1 (giữa tháng 12). Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên môn toán khiển trách An rất nhiều, và nói là sẽ báo với phụ huynh vào lần họp phụ huynh tới…”

Theo bạn, An đang gặp vấn đề gì? Hãy thử tìm vấn đề bằng cách tự đặt câu hỏi, sau đó đọc tiếp.

Ở đây bạn An và gia đình bạn An (trả lời cho câu hỏi What) đang gặp vấn đề.

Vì bạn An bị điểm kém (trả lời cho câu hỏi Why).

….

Chỉ sơ bộ như thế này, bạn sẽ thấy bạn An đang gặp 2 vấn đề:

  • Trình bày với gia đình về điểm kém.
  • Phải cố gắng học tập để đạt điểm cao hơn môn toán ở học kỳ II.

Gia đình bạn An cũng gặp 2 vấn đề:

  • Phải đối diện với lần họp phụ huynh.
  • Chấp nhận điểm số thấp của An nếu An có lý do chính đáng.

Chúng ta cùng tiếp tục tình huống:

Xung quanh bạn An có một số sự việc như sau:

  • An học khá giỏi môn toán từ nhỏ. Nhưng đến lớp 10 thì kiến thức toán lạ và khó.
  • Trong một tiết học quan trọng về phần giải phương trình An bị ốm phải nghỉ, câu phương trình này chiếm 3 điểm trong đề kiểm tra.
  • Do bài thi học kỳ bị dời lại trước 1 tuần so với dự kiến, nên bài kiểm tra một tiết và bài kiểm tra học kỳ gần sát nhau.
  • Bạn An nhờ Minh (học giỏi toán nhất lớp kèm) nhưng Minh do cũng bận ôn thi như An nên chỉ hướng dẫn An được một phần ba lượng kiến thức. Đến khi thi học kỳ, An chỉ làm bài trong 30 phút và đạt 3 điểm.

Với những thông tin trên về An chúng ta tiến hành phân tích việc An bị điểm kém, gồm có các lý do:

  • An nghỉ ngay bài quan trọng nên không hiểu bài và không làm được câu 3 điểm. Vậy nếu An học giỏi thì tối đa sẽ được 7 điểm, An được 5 điểm cũng chứng tỏ An học khá và đã cố gắng làm bài.
  • Kỳ kiểm tra học kỳ đến sớm nên An không kịp chuẩn bị cho môn toán mà chỉ mới kịp ôn tập được 1/3 kiến thức. Nên An không thể làm bài hơn 3 điểm mà không quay cóp! Tuy nhiên An đã chọn chỉ làm những phần mà An biết, đây là một đức tính tốt.

Vậy, An có thể giải thích với gia đình những việc trên để nhận được sự thông cảm từ gia đình. Từ đây, gia đình An cũng dễ nói chuyện với giáo viên hơn, không bị thành kiến “An thiếu cố gắng trong học tập, An lười biếng nên nghỉ học,…” từ giáo viên chủ nhiệm.

Hơn nữa, An cũng cần phải hứa sẽ đạt loại khá giỏi môn toán ở học kỳ 2 (trả lời cho câu hỏi tại sao). Đây cũng là vấn đề tiếp theo.Vậy An cần phải làm gì?

  • Xác định Ai có thể giúp An học tốt hơn? (trả lời câu hỏi who?)à Nhờ Minh hướng dẫn những dạng bài không hiểu. Nếu kết quả học tập tốt thì có thể tặng một món quà cảm ơn cho Minh.
  • Những công cụ gì có thể giúp An học tốt hơn? (trả lời câu hỏi what?) àAn có thể xin tiền gia đình để mua sách bài tập toán để rèn luyện kỹ năng làm bài, sách về phương pháp học tập tốt để tìm phương pháp học phù hợp,… Việc này còn cho thấy sự quyết tâm của An, và gia đình sẽ tạo điều kiện, khích lệ An học tập hơn.

Khi phân tích tình huống trên thì cách giải quyết vấn đề tốt nhất cho An chính là dựa vào những sự kiện xung quanh (thông tin) tìm những điều có lợi nhất cho An và gia đình thoát khỏi vấn đề hiện tại, tránh được cuộc xung đột cãi vã. Tuy nhiên, nếu như không biết phân tích và giải quyết vấn đề, thì các em dễ rơi vào cách giải quyết sau:

  • Do lớp 10 kiến thức toán khó à – Giáo viên bộ môn giảng bài không hiểu.
  • Do bệnh nên nghỉ một buổi à – Giáo viên chủ nhiệm không phân công bạn khác hướng dẫn bài.
  • Khi đi con ngồi kế bên Minh, con bí bài có chút xíu chỉ cần bạn cho con xem 1 công thức là con làm được nhưng bạn không cho xem à – Tại bạn bè

Đây là cách giải quyết không nhận lãnh trách nhiệm về bản thân! Do vậy, bạn lại nói với gia đình là “do giáo viên…”, không phải lỗi của bạn! Dĩ nhiên, gia đình sẽ tin, bạn sẽ thoát khỏi nạn này nhưng: một cuộc xung đột giữa gia đình và giáo viên xảy ra, tình cảm bạn bè bị đổ vỡ,… Rồi sau đó nữa, kết quả học kỳ hai của bạn vẫn kém, thế là xong!

Qua tình huống trên, bạn phải xác định vấn đề từ bản thân mình trước, vận dụng kỹ năng tự phản biện với chính bản thân mình để áp vào mà giải quyết những khó khăn gặp phải để nhận được sự cảm thông và động viên từ gia đình, tránh suy nghĩ lệch lạc mà tự cô lập khỏi gia đình.

Trong thực tế, bạn đã sử dụng một hoặc nhiều bước trên để giải quyết vấn đề mà bạn từng gặp dù cho có ý thức được hay không. Thay vì như thế, ý thức và sử dụng trực tiếp những bước trên sẽ giúp bạn nhìn ra chân tướng của sự việc, giải phóng khỏi những tư duy tiêu cực. Song song đó, việc vận dụng tốt tư duy phân tích giải quyết vấn đề sẽ làm bạn nhạy bén hơn và tạo suy nghĩ mạch lạc, logic, hứa hẹn những thành tích tốt trong học tập.

Theo: Kynang.me